KINH TẾ "HẬU VACCINE": Nỗi lo lạm phát
Việc duy trì giữa tiền rẻ và giá hàng hóa có dấu hiệu tăng cùng mối nguy “lạm phát do tâm lý”, khiến các lựa chọn điều hành trở nên khó khăn hơn.
LTS: Việt Nam đã đón nhận lô vaccine nhập khẩu vào ngày 24/2. Nhưng thế giới hậu vaccine không đồng nghĩa với việc thế giới hậu đại dịch và các nền kinh tế trên toàn cầu trở lại sức tăng trưởng bình thường.
Các nền kinh tế sẽ duy trì “vaccine tiền rẻ”
Vaccine trị Covid đã xuất hiện từ phía các hãng dược và đang được phân phối đến các Chính phủ. Nhưng “liều thuốc” chống suy thoái và giúp cho các nền kinh tế hồi phục, tăng trưởng trở lại như trước đại dịch thì khó có thể có đơn chung cho mọi quốc gia. Và một vaccine nghĩa bóng, phổ thông, đang được nhiều Chính phủ tiếp tục lựa chọn, đó vẫn là duy trì nới lỏng tiền tệ, bơm tiền với lãi suất thấp.
Nhưng nhìn chung, không có biệt dược nào lúc này cho các nền kinh tế đang vẫn đang rất chật vật bởi hệ lụy của COVID-19, kể cả khi thế giới bước vào thời kỳ “hậu vaccine”. Vì vậy, các gói tiền tệ hoặc bơm trực tiếp, hạ lãi vay, thu mua trái phiếu khẩn cấp… trên bề mặt lãi suất rẻ tạm thời được xem là “vaccine” có hiệu lực tương đối tích cực dù không dựa trên nghiên cứu lâm sàng của riêng sức khỏe nền kinh tế nào.
Và với vai trò của quốc gia “phân phối lạm phát”, đường cong lợi suất trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ đã và đang trở thành một chỉ báo mà các quốc gia khác phải dõi theo.
Lưu ý rằng trong tuyên ngôn mới của mình, FED đã không xem 2% là trần lạm phát mà chỉ cần bình quân trong một thời gian dài, lạm phát vẫn ở mức 2%. Có nghĩa rằng lạm phát của Mỹ, có thể sẽ chấp nhận đột biến 3%, 4%, thậm chí 5% trong năm nay, hoặc năm tới - không ai biết. Và điều này nếu có diễn ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự thay đổi chính sách điều hành tiền tệ của các quốc gia. Đi cùng là giá các tài sản rủi ro lẫn không rủi ro. Vì vậy, “vaccine tiền rẻ” cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ mang đến các phản ứng phụ cho một số nền kinh tế, nếu không linh hoạt và sự chuẩn bị để xử lý ngay từ bây giờ.
Lựa chọn của Việt Nam?
Việt Nam có lo ngại lạm phát do hệ lụy của các gói cứu trợ nền kinh tế cùng chính sách tiền tệ nới lỏng ở 2020, trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới và độ mở nền kinh tế quá lớn? Câu trả lời là Có. Nhưng chúng ta sẽ không để xảy ra điều đó. Nguyên do từ một số thuận lợi nội tại như sau:
Thứ nhất, chính sách “tiền tệ nới lỏng” của Việt Nam được đánh giá là “vừa đủ” trong năm 2020. “Vốn rẻ” một phần có thể đã kích thích dấu hiệu bong bóng ở một số kênh tài sản rủi ro, nhưng nhìn chung năng lực hấp thụ tín dụng của Việt Nam, trên số liệu của NHNN cung cấp, là hợp lý với các biến số vĩ mô.
Thứ hai, thực tế các gói hỗ trợ lớn của Việt Nam – giá trị nhất là gói tín dụng, đã được hấp thụ như nêu trên. Các gói còn lại, hoãn giãn thuế - sẽ làm giảm bớt nguồn lực ngân sách, không có ý nghĩa bơm tiền rẻ thực. Các gói hỗ trợ nhỏ tiền thực, lại không giải ngân hết. Điều này khác với các gói nới lỏng siêu định lượng của các quốc gia khác.
Thứ ba, thể trạng kinh tế Việt Nam hiện cũng khác với trước đây, nền kinh tế đã hoạt động hiệu quả hơn với năng suất lao động cải thiện hơn. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm qua, không còn chỉ là kết quả đầu tư và tín dụng cao, thể hiện qua tốc độ tăng M2 và lượng hàng hóa sản xuất ra. Mặt khác, Việt Nam có kỷ lục xuất siêu (khác với nhập siêu trước đây), tỷ giá ổn định, dự trữ tăng mạnh, lãi suất tiết kiệm xuống mức đáy… Đây là những yếu tố giúp Việt Nam có năng lực và dự phòng để ứng phó, ổn định lạm phát mục tiêu tốt nhất. Cũng là cơ sở để chính sách tiền tệ nới lỏng có thể được duy trì linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, lưu ý rằng lạm phát Việt Nam vẫn có phần phụ thuộc vào lạm phát thế giới. Điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng trong rổ CPI sẽ phản ánh trở lại trong lạm phát.
Chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam có thể vẫn sẽ là lựa chọn đáng được duy trì trong 2021, ít nhất cho đến trước tháng 10 khi lộ trình siết vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn được thực hiện; cũng như tùy thuộc mức độ hấp thụ tín dụng, sự lộ diện của nợ xấu... Tin rằng NHNN sẽ rất cân nhắc đối với việc điều chỉnh lãi suất điều hành trong quý 1 và trong một dư địa chật hẹp.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 03/03: Kinh tế "HẬU VACCINE"
06:00, 03/03/2021
Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 3): Tìm động năng mới
11:23, 27/02/2021
Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 2): Xóa định kiến “kinh tế tư nhân”
11:00, 26/02/2021
Thúc đẩy kinh tế tư nhân (Kỳ 1): Hướng tới môi trường bình đẳng
11:00, 25/02/2021
Chìa khóa thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững ở Đông Á
11:00, 25/02/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 24/02: Thúc đẩy kinh tế tư nhân
06:03, 24/02/2021
Triển vọng kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng 2021
11:00, 21/02/2021
Triển vọng kinh tế Việt Nam: Nhiều thách thức phải vượt qua
04:00, 21/02/2021