Các hãng tàu cần minh bạch giá thuê container
Khan hiếm container rỗng cộng với giá cước vận chuyển tăng cao liên tục khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn.
Giá cước vân tải chưa có dấu hiệu giảm
Ảnh hưởng từ dịch COVID - 19 khiến hàng hoá cung cầu ở 2 thị trường lớn là Mỹ và EU mất cân đối khi tỷ lệ nhập khẩu gia tăng còn xuất khẩu giảm mạnh, làm chậm quá trình quay vòng container. Điều này đã gây nên tình trạng thiếu hụt container rỗng của các quốc gia như hiện nay và doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn từ hệ luỵ này.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Đình Quân- Giám đốc Công ty TNHH Tiếp Vận EZ SHIPPING cho biết giá cước vận chuyển container hiện vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực xuất khẩu ở trong ước.
Cụ thể giá cước đi thị trường Mỹ được các công ty vận tải đưa ra là 9.000 - 10.000 USD/container 40 feet, đi các thị trường xa hơn có thể từ 1.400 USD - 1.600 USD/container 20 feet. Mức giá này tăng gấp 4 - 7 lần so với mức ổn định đầu năm 2020, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị đội phí giao hàng tới nhiều lần.
Theo ông Quân, hiện tại nhiều doanh nghiệp nông sản đang tạm ngừng xuất khẩu vì giá vận chuyển gia tăng gấp nhiều lần khiến hiệu quả thu về sau những lô hàng xuất khẩu không tương xứng với chi phí logistics, trong khi giá xuất khẩu hàng hoá không tăng.
Đây cũng là lý do chính khiến các lĩnh vực xuất khẩu đang rơi vào tình trạng bị động. Bởi vừa phải chủ động về nguồn hàng vừa phải đảm bảo được thời gian giao hàng cho đối tác đúng thời hạn.
Bên cạnh đó, vừa qua, nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ bức xúc cho biết, từ hơn 3 tháng nay, giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet thì nay đã đội giá lên tới gần 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh.
"Đây là mức tăng bất hợp lý, vì có những thời điểm container vẫn không đến nỗi khan hiếm nhưng giá cước vẫn leo thang. Chúng tôi cho rằng, cần tính toán xem xét lại các nguyên nhân và yêu cầu các hãng tàu cần minh bạch thông tin về giá, cũng như lý do về mức tăng trên”, đại diện các doanh nghiệp nói.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, khan hiếm container là ảnh hưởng theo thị trường quốc tế, nhưng các đại lý hoặc các hãng tàu sở hữu số lượng contaner cho thuê ở Việt Nam đang thiếu minh bạch về giá thuê container rỗng, "chúng tôi đang hoang mang về điều này".
Xem xét bài toán vận chuyển
Đưa ra giải pháp về rào cản trên, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết, Cục đã nắm được những kiến nghị của doanh nghiệp và ngay sau đó đã có văn bản đề nghị hãng tàu thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá.
Đồng thời, Cục Hàng hải đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức buổi làm việc với các hãng tàu, chủ hàng và hiệp hội tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, đến nay các hãng tàu vẫn chưa có văn bản báo cáo gửi về Cục Hàng hải Việt Nam.
“Việc giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng xuất phát từ cung - cầu của thị trường, nhưng các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu của Cục Hàng hải trong minh bạch giá. Riêng đối với các đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng… Cục sẽ có những cân nhắc phù hợp”- ông Giang cho biết.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị cho tình hình nên phương án cho bài toán xuất khẩu, đàm phán thượng lượng về thời gian giao hàng, không phụ thuộc vào đường biển, có thể tận dụng vận chuyển bằng đường sắt để giảm chi phí.
Trước những khó khăn trên trên, các doanh nghiệp xuất khẩu đề xuất, các Bộ ngành nên có những chính sách ưu tiên về chi phí lưu kho đối với lượng hàng đã được sản xuất đóng gói hoặc chất lượng hàng hóa khó được duy trì, đặc biệt với những ngành hàng hoa quả tươi, đông lạnh.
Bên cạnh đó, cần bổ sung những ưu tiên chính sách xử lý nhanh những thủ tục về hải quan, giúp hàng hoá nhanh chóng được xuất khẩu, tiết kiệm được thời gian và chi phí lưu kho, lưu bãi. Trong đó, các cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết tình trạng hàng ngàn container vô chủ ở cảng để “lấy nguồn” container rỗng cho xuất khẩu.
Trong thông báo đề xuất, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản tại Long An cho biết, các hãng tàu biển thường cập nhật thay đổi giá cước theo tuần, cộng thêm giá nguyên liệu bấp bênh nên nhiều doanh nghiệp chỉ dám xuất đơn hàng trong ngắn hạn, buộc phải đàm phán lại từng giai đoạn ngắn với giá cước mới để tránh rủi ro.
Theo đó doanh nghiệp này phân tích, do container rỗng không dồi dào nên thị trường bị lũng đoạn, để có container kịp chứa hàng xuất, có thời điểm doanh nghiệp phải thêm chi phí "mua trước" số container để mở trước tờ khai hải quan. Quy định hiện nay phải có số container doanh nghiệp mới được truyền tờ khai hải quan. Dù chưa nhận được container nhưng doanh nghiệp chỉ còn liều mới không bị tồn hàng ở cảng.
Trước những khó khăn trên, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho rằng để hạn chế rủi ro vì giá cước vận tải tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xem xét chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao hàng tại cảng xuất), thay vì chọn hình thức chịu chi phí giao hàng tận nơi. Đặc biệt cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các hãng tàu để thúc đẩy giá cước phù hợp, hạ hoặc cắt giảm các khoản phí tại cảng lớn ở TP.HCM, Hải Phòng…
Có thể bạn quan tâm
Giải phóng container “vô chủ” có dễ?
11:10, 17/01/2021
Kiến nghị lập tổ thanh tra việc tăng giá cước vận tải biển
01:00, 29/01/2021
Giá cước vận tải biển sẽ biến động trong những tháng cuối năm
06:50, 03/08/2019
Hoà Phát thêm container vào "hệ sinh thái thép"
11:00, 03/03/2021
Doanh nghiệp Việt "vào cuộc" sản xuất container
11:00, 26/02/2021