Xuất khẩu dệt may "tụt dốc"

LINH NGA 26/03/2021 11:00

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/3, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 5,75 tỷ USD, giảm khoảng 200 triệu USD so với cùng kỳ 2020.

fds

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 2,2 tỷ USD.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/3, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 5,75 tỷ USD, giảm khoảng 200 triệu USD so với cùng kỳ 2020. Con số này trái chiều với sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu nói chung.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nói chung tăng 22,7%. Các nhóm hàng chủ lực như điện thoại; máy vi tính; máy móc thiết bị… cũng có tốc độ tăng trưởng lên đến hàng chục phần trăm. Đáng chú ý, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng tới trên 81% và đã vượt dệt may để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ ba cả nước.

Đặc biệt, tình cảnh ảm đạm của nhóm hàng dệt may diễn ra ở hầu khắp các châu lục, thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan theo thị trường hết tháng 2 cho thấy Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 49% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tuy nhiên, kim ngạch này giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường Nhật Bản kim ngạch chỉ đạt 490 triệu USD, giảm 14,1%; thị trường EU cũng chỉ đạt 440 triệu USD, giảm 6,6%...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cuối năm 2020, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang phá sản (theo báo cáo của MCKinsey). Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020 và lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam lạc quan cuối năm nay sẽ bớt khó khăn và phục hồi dần, đến năm 2022 sẽ có nhiều tiến triển rõ rệt. Tuy vậy, để được thế, doanh nghiệp phải điều chỉnh, bám theo nhu cầu thị trường và chuyển biến nhanh hơn với những biến động thị trường để nắm bắt cơ hội. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố thay đổi này, trước mắt là để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỉ USD đề ra trong năm 2021.

gds

Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc xây dựng nguồn cung vải trong nước để khai thác lợi thế của FTAs.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng sự thay đổi toàn diện chiến lược phát triển, đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường mà các FTA đang mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc xây dựng nguồn cung vải trong nước để khai thác lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)... Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã khai thác lợi thế sản xuất trong nước để xuất khẩu sang châu Âu, hưởng lợi thế theo EVFTA.

Theo các doanh nghiệp, cơ hội tăng xuất khẩu sang châu Âu đã tạo chất xúc tác để các nhà sản xuất nguyên phụ liệu mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nhà máy, chuẩn bị và cung ứng nguyên phụ liệu "made in Vietnam" nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành thời trang và dệt may cần chuẩn bị gì để phục hồi sau đại dịch?

    Ngành thời trang và dệt may cần chuẩn bị gì để phục hồi sau đại dịch?

    04:30, 20/03/2021

  • Nhiều mặt hàng dệt may Việt Nam bị cảnh báo ở EAEU

    Nhiều mặt hàng dệt may Việt Nam bị cảnh báo ở EAEU

    01:50, 15/03/2021

  • Ngành dệt may, thủy sản, du lịch chủ động để bứt phá 

    Ngành dệt may, thủy sản, du lịch chủ động để bứt phá 

    03:00, 05/03/2021

  • Ngành dệt may sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý 4/2021

    Ngành dệt may sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý 4/2021

    04:00, 04/03/2021

LINH NGA