Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp...
Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (xuất khẩu) một số ngành hàng chủ lực đã có sự tăng trưởng tốt cho thấy sự hồi phục rõ rệt của thị trường đã khả quan hơn, trong đó như kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020 hay thuỷ sản đã đạt 1 tỷ USD…
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm nay là do sau một năm sống chung với đại dịch các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp. Cùng với đó, việc các nước liên tục đưa vaccin vào tiêm cho người dân cũng đang tạo tâm lý tích cực, giúp cầu tiêu dùng dệt may tăng trở lại.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, trong khi nhiều ngành hàng sản xuất công nghiệp lo thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì dệt may lại khá khác biệt khi đơn hàng tương đối dồi dào. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021.
Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Đây là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi dệt may Việt Nam đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 năm 2020.
Cùng với sự hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đi các thị trường đã tăng trưởng khả quan trở lại nhờ đòn bẩy từ các FTA cũng như nhu cầu của các nước nhập khẩu dần ổn định hơn. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, trong tháng 1/2021 xuất khẩu thủy sản đã tăng mạnh tới 23,4% với kim ngạch đạt 606 triệu USD. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm nay, mặt hàng cá tra, cá biển, cá ngừ và tôm chân trắng đã có sự tăng trưởng mạnh; đồng thời xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Mexico, Đài Loan, Brazil… đã tăng mạnh.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu thủy sản đang có chiều hướng khả quan hơn so với năm 2020. Đây là tác động tích cực từ các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong đó, với CPTPP, trong tháng 1/2021 các doanh nghiệp thủy sản đã xuất khẩu nhiều đơn hàng với giá trị cao như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang xuất 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; Công ty cổ phần Chế biến XNK thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm 8 container hàng thủy sản với tổng trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia.
Từ đó đưa xuất khẩu thủy sản sang khối này trong tháng 1/2021 tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%... Bên cạnh đó, với UKVFTA cũng sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh.
Không được thuận lợi như dệt may và thủy sản, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 tại cộng đồng khiến du lịch những tháng đầu năm 2021 với nhiều hy vọng "khởi sắc" lại rơi vào tình trạng ảm đạm.
Đứng trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp du lịch đã có nhiều biện pháp để chủ động vượt khó. Đơn cử, Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour vẫn tổ chức tour cho từng nhóm nhỏ theo yêu cầu của khách. doanh nghiệp cũng chào bán tất cả dịch vụ du lịch lẻ và trọn gói cho khách dạng nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè đã biết về lịch sử y tế của nhau.
Riêng với các tour đoàn, nhân viên của công ty vẫn đang làm việc tập trung cho những thị trường phù hợp, sẵn sàng cho du lịch hè tới với kỳ vọng tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát ổn định.
Nhiều công ty lữ hành khác cho biết đang tập trung vào đào tạo đội ngũ nhân sự, tập trung vào marketing, làm việc với đối tác xây dựng tour tuyến… chờ dịch được kiểm soát tốt ở các điểm đến để đưa khách trở lại.
Với Vietravel Holdings, chương trình tour được doanh nghiệp đầu tư khảo sát lựa chọn từ cung đường nào an toàn, thuận tiện, có phong cảnh đẹp, điểm tham quan phù hợp đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn lưu trú đạt chuẩn. Du khách tham gia tour có thể sử dụng xe cá nhân từ 4-7 chỗ hoặc nếu có nhu cầu sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng xe riêng và tài xế…
Riêng ngành du lịch các địa phương, việc chuyển hướng khai thác thị trường nội địa, giảm giá các tour du lịch phù hợp túi tiền của khách hàng và đề cao yếu tố “dịch vụ du lịch an toàn” là giải pháp được doanh nghiệp du lịch trong tỉnh áp dụng để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú đặt yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu. Nhiều hãng du lịch đóng gói sẵn dụng cụ chống dịch để phát miễn phí cho du khách mang theo. Những biện pháp này nhằm tạo cảm giác an toàn và thoải mái cho khách du lịch giữa mùa dịch, đồng thời là yếu tố cạnh tranh về dịch vụ giữa các hãng du lịch.
Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh du khách lo ngại đi tỉnh du lịch khi trở lại TPHCM có thể bị cách ly cũng là điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình du lịch tại chỗ (city tour), chương trình du lịch ngắn ngày ở khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, thay vì đi tour bằng máy bay phổ biến trước đây, các chương trình du lịch sử dụng phương tiện ôtô sẽ lên ngôi.
Tỉnh Quảng Ninh đang có kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ du lịch khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch, vốn đang đứng trước bờ vực phá sản sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh COVID-19.
Việc khôi phục hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát là điều cần thiết và cũng là bước chuẩn bị cho vụ cao điểm của du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Hiện Quảng Ninh vẫn tiếp tục giảm 50% giá vé vào ngày thường và 100% vào các ngày lễ khi tham quan vịnh Hạ Long và các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm