Chứng khoán

Cổ phiếu dệt may nào sẽ bứt tốc?

Hà Phương 17/07/2025 16:04

Dù đối mặt nhiều thách thức từ thuế quan, nhu cầu tiêu dùng suy giảm…, nhưng một số cổ phiếu ngành dệt may có thể vẫn còn cơ hội bứt tốc.

ndt.jpeg
Để lựa chọn cổ phiếu ngành dệt may, nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ các thông tin về thuế quan và tác động của nó đến ngành dệt may.

Theo nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư nên xem xét các cổ phiếu của những doanh nghiệp đã tìm được nguồn nguyên liệu thay thế, đa dạng thị trường xuất khẩu…

Tìm kiếm thị trường ngách

Công ty Chứng khoán BSC vừa phân loại những nhóm ngành có thể chịu ảnh hưởng thuế quan. Theo BSC, dù bị áp thuế quan, nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn có khả năng giữ đơn hàng nhờ lợi thế nhân công tay nghề cao, sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn với năng suất cao hơn các đối thủ, đồng thời đáp ứng các tiêu chí ESG...

Tuy nhiên trong ngắn hạn, thuế quan sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô và các yếu tố đầu vào khác, làm giảm lợi nhuận của các công ty dệt may. Ngoài ra, thuế quan có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế, dẫn đến giảm lợi nhuận.

Mặc dù chính sách thuế quan của chính quyền Trump còn nhiều bất định, nhưng xuất khẩu của ngành dệt may vẫn tích cực. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gần 22 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 8,77 tỷ USD, tăng 17,1%; xuất khẩu sang EU đạt 2,36 tỷ USD, tăng 14,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản 2,24 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động và duy trì được nhịp sản xuất, hướng đến sản xuất bền vững và mở rộng các thị trường ngách để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Khảo sát tại 6 quốc gia lớn trong khu vực có ngành dệt may phát triển (Bangladesh, Campuchia, Lào, Nepal, Trung Quốc và Việt Nam) do VITAS tiến hành cho thấy, Việt Nam có ưu thế vượt trội so với các nước, chỉ thấp hơn Trung Quốc ở một vài chỉ tiêu. Điều này khẳng định chất lượng sản phẩm và giá cả của dệt may Việt Nam đang xếp ở tầm trung trở lên.

det may 2
Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 5 đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: Cục Hải quan

Trước bối cảnh một số thị trường truyền thống có thể có những điều chỉnh chính sách thuế, việc tìm kiếm và khai thác các thị trường tiềm năng mới là vô cùng quan trọng. Trong số này, Liên bang Nga được các chuyên gia đánh giá là một thị trường đầy triển vọng. Bởi vì, Nga là thị trường lớn với GDP tính theo ngang sức mua đứng thứ 4 thế giới. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang của người tiêu dùng Nga. Để tận dụng được các cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam như TNG, MCH, PPH… đang len lỏi tìm kiếm cơ hội.

Theo nhiều chuyên gia, để duy trì đà phát triển bền vững của các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, ngoài bài toán nguyên phụ liệu, khai thác các thị trường tiềm năng mới sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp dệt may bứt tốc trong 6 tháng cuối năm nay.

Lựa chọn cổ phiếu tiềm năng

Để lựa chọn cổ phiếu ngành dệt may trong 6 tháng cuối năm nay, các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ các thông tin về thuế quan và tác động của nó đến ngành dệt may. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế và nâng cao hiệu quả sản xuất là những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư xem xét.

Theo các chuyên gia BSC, nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu MSH của Công ty Cổ phần May Sông Hồng và cổ phiếu TNG của Công ty Thương mại TNG. Cho đến nay, MSH đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2025. Với cổ phiếu TNG, doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục vận hành gần như hết công suất đến tháng 8/2025. Đặc biệt, cả hai doanh nghiệp này đều tăng quy mô lao động - tín hiệu tích cực cho triển vọng mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, MSH không còn phụ thuộc vào thị trường Mỹ và hiện đã dịch chuyển sang thị trường Nga và các nước lân cận. Với TNG, các danh mục khách hàng đa dạng là lợi thế giúp doanh nghiệp này ứng biến tốt với biến động thị trường.

Về nhóm cổ phiếu sợi của ngành dệt may, Công ty Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét cơ hội đầu tư đối với cổ phiếu STK của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ và cổ phiếu PPH của Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú. Hai cổ phiếu này được dự báo có thể sẽ có bước tăng trưởng đột biến trong năm 2025 khi nhà máy Unitex của STK chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, PPH tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ổn định từ mảng sợi chỉ may, mảng khăn, xuất khẩu một phần sang thị trường Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu dệt may nào sẽ bứt tốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO