Mặt bằng giá mới: Cẩn trọng “nhập khẩu lạm phát”
Mục tiêu lạm phát dưới 4% Việt Nam có thể giữ được, nhưng chúng ta phải tiếp tục quan sát các yếu tố quốc tế.
LTS: Việc lạm phát tăng không ngạc nhiên bởi nó phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế. Nhưng nếu nó tăng nhiều hơn trong tương quan tăng trưởng kinh tế thì lại là câu chuyện khác. Vì vậy cần tính tới một kịch bản mặt bằng giá mới và các giải pháp để hạn chế thiệt hại do chi phí đầu vào tăng cao.
Giá cả các vật liệu hóa chất và kim loại được dùng để sản xuất thành phẩm từ nguồn cung Trung Quốc và Indonesia đã tăng nhanh trong những tháng gần đây. Giá cước vận chuyển cũng đã tăng khoảng 90% kể từ tháng 6 năm 2020. Đặc biệt, trong rổ hàng hóa chỉ số giá tiêu dùng CPI các mặt hàng mang tính chất đầu vào đang có chỉ số khá lớn. Do đó khi có sự tăng giá trong nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn đến CPI và như vậy chắc chắn giá đầu ra sẽ có tác động tăng theo đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý là giá cả hàng hóa nhập khẩu đã tăng khá mạnh so với thời kỳ kinh tế thế giới khủng hoảng. Giá cả tăng trong khi lượng nhập khẩu tăng chứng tỏ một thực tế đáng mừng là sự phục hồi sản xuất trong nước. Tuy nhiên, với nền sản xuất dựa nhiều vào nguyên, nhiên liệu đầu vào nhập khẩu, lượng hàng hóa này trong thời gian tới có xu hướng tăng lên. Nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI cũng tăng mạnh kể từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, diễn biến xuất nhập khẩu trên cũng cho thấy, yếu tố giá cả bên ngoài tác động rất lớn tới chỉ số giá tiêu dùng, mà độ trễ của nó có thể phản ánh vào quý II này. Đồng thời, nhập khẩu tăng mạnh cũng sẽ tạo áp lực lên cán cân thanh toán, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có điều chỉnh về chính sách ngoại hối phù hợp. Bởi lẽ, khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là nhờ giá cả thế giới duy trì ở mức thấp.
Hiện tại trên thế giới với việc triển khai vắc-xin COVID-19 một số các nền kinh tế đã quay trở lại vận hành bình thường do đó, không thể không tính đến sự tác động của giá các nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam ảnh hưởng đến giá sản phẩm cuối cùng. Với số liệu từ Tổng cục thống kê về chỉ số CPI tháng 3 cũng như cả quý 1/2021, “dư địa” cho chúng ta vẫn còn khá lớn, đứng ở góc độ chỉ tiêu 4% tôi cho rằng hoàn toàn có thể giữ được mức này.
Có thể bạn quan tâm