Diện tích trồng cây ăn quả tăng mạnh
Theo số liệu của Cục Trồng trọt-Bộ NN&PTNT, diện tích trồng cây ăn quả cả nước tăng 2020 tăng trên 100.000ha.
Báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, năm 2020 sản xuất cây ăn quả cả nước có diện tích trên 1,1 triệu ha, tăng gần 100.000 ha so với năm 2019. Vùng Nam bộ có tổng diện tích cây ăn quả trên 500.000 ha, bằng 44,6% diện tích cả nước; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cây ăn quả lớn nhất cả nước với diện tích trên 377.000 ha, bằng 33,3% so với cả nước.
Hiện nay, các đối tượng cây trồng chủ lực của vùng Nam bộ như sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, bơ, chuối, chanh, na … đang được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Thanh long tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai; Xoài tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai; Sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Tp. Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh; Nhãn tại tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tp. Cần Thơ, Tây Ninh; Bưởi tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai; Quýt tại tỉnh Đồng Tháp; Cam tại tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang; Dứa tại tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang; Chôm chôm tại tỉnh Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long; Mít tại tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai; Na tại tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh; Chanh tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn rau quả chỉ được xuất khẩu tươi, rất ít sản phẩm được chế biến để xuất khẩu.
Điều đáng quan tâm là số lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng còn rất ít, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất giống đại trà. Cả nước hiện nay chỉ mới công nhận 30 giống cây ăn quả chính thức và 38 cho sản xuất thử. Việc cấp mã số cho vùng trồng còn thấp, tỷ lệ sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGap hay GlobalGap còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10 - 15%/tổng diện tích trồng trọt nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn đạt tiêu chuẩn thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định: Việc tận dụng tính hiệu lực các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) như EVFTA; CPTPP; RCEP, UKFTA… đang giúp mở đường ra cho các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng.
Mới đây,Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD rau quả vào năm 2030.
Theo Quyết định số 417/QĐ-TTg mục tiêu Đề án này đề ra: đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 8-10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt hai triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần hai lần so với năm 2020. Đến năm 2030, thu hút đầu tư mới từ 50 đến 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ của đề án là đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả. Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng, đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch.
Thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, bảo đảm tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói, kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân hơn 10%/năm; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả bảo đảm nguyên liệu được cung cấp (khoảng từ 5 đến 6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến…
Theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thì sản xuất rau quả được xếp thế mạnh thứ hai sau ngành thủy sản trên cả sản xuất lúa gạo.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đến 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD
20:26, 24/03/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài XIV): Chuyển đổi canh tác, xu thế tất yếu của ngành rau quả
05:00, 19/02/2021
Xuất nhập khẩu rau quả xin giảm giá điện
02:35, 04/10/2020
Hải Phòng: Điều tra sai phạm dự án chợ đầu mối rau quả phường Sở Dầu
04:05, 16/06/2020
Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm hơn 32% do bị ảnh hưởng Covid-19
06:51, 22/02/2020