Việc chuyển đổi canh tác từ thuần lúa sang rau màu và cây ăn trái là một xu thế tất yếu giúp cải thiện nguồn thu cho người nông dân.
Vùng ĐBSCL có lợi thế nổi trội về canh tác rau quả nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi. Việc chuyển đổi canh tác từ thuần lúa sang rau màu và cây ăn trái là một xu thế tất yếu giúp cải thiện nguồn thu cho người nông dân. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngành rau quả vẫn chỉ mới ở giai đoạn định hình và đối mặt với nhiều thách thức.
Ở tầm quốc gia, các chính sách tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng trồng rau quả chưa hoàn thiện và còn thiếu hiệu quả. Ở cấp độ vùng, mỗi tỉnh vẫn theo đuổi một chính sách riêng và việc quy hoạch các vùng trồng trọt vẫn chưa được xem xét về mặt tổng thể để có hướng phát triển tổng thể.
Về mặt thị trường, việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong khi về cơ bản chưa đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 cũng buộc ĐBSCL phải đánh giá lại vị thế, năng lực của ngành, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến những chuẩn mực cao hơn.
Về phương diện sản xuất, các điểm yếu và khó khăn của cụm ngành bắt nguồn từ năm nguyên nhân chính.
Một là, nguồn nhân lực có trình độ hạn chế, thái độ thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tập quán canh tác lạc hậu, kỹ thuật canh tác thô sơ nhưng khả năng tiếp thu những quy trình mới đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế lại chưa cao. Ngoài ra, tư duy ngắn hạn, chạy theo lợi ích trước mắt khiến người nông dân lựa chọn nền nông nghiệp lạm dụng hóa chất và dễ bị dẫn dắt bởi thương lái hơn là liên kết với hợp tác xã hay các doanh nghiệp chế biến và thương mại lớn.
Hai là, ĐBSCL là “vùng trũng” về cơ sở hạ tầng giao thông, yếu tố được xem là huyết mạch giúp lưu thông hoạt động kinh tế. Ngành rau quả ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém của hạ tầng giao thông khu vực rất lớn do đặc điểm hàng hóa yêu cầu phải đảm bảo được độ tươi ngon nên cần được vận chuyển nhanh chóng và an toàn.
Ba là, các chính sách đặc thù phát triển ngành rau quả trên cả nước và khu vực chưa hình thành rõ nét, không tạo lực đẩy cho hoạt động trồng trọt, chế biến và thương mại. Chính sách an ninh lương thực kìm hãm chuyển đổi đất cũng tạo rào cản mở rộng quy mô trồng trọt rau quả. Ngoài ra, hoạt động liên kết giữa các tỉnh chưa được định hướng và hỗ trợ bởi các chính sách quốc gia và khu vực khiến thương hiệu rau quả ĐBSCL khó lớn mạnh.
Bốn là, do lịch sử để lại, các vùng nguyên liệu trồng rau quả đều manh mún, nhỏ lẻ, khó tạo lượng hàng hóa lớn, an toàn và đồng nhất.
Năm là, chất lượng, sự ổn định và đồng đều của giống cũng là một nhược điểm quan trọng cần khắc phục.
(còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Chính sách tài khóa và tín dụng – Tăng nhưng chưa tương xứng
05:30, 15/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Các lợi thế chưa khai phá
05:30, 14/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Cơ sở hạ tầng - nút thắt quan trọng
14:00, 13/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Công nghiệp vẫn là "vùng trũng"
05:00, 11/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế 2009 - 2019
05:30, 10/02/2021