Mặc dù chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho vùng ĐBSCL đã tăng lên cả về tương đối và tuyệt đối, nhưng hoạt động tín dụng ngân hàng lại chưa tương xứng với vị thế kinh tế của vùng.
Trong 10 năm trở lại đây, số chi NSNN cho vùng ĐBSCL đã tăng lên cả về tuyệt đối và tương đối, Tuy nhiên nếu tính chung cả ngân sách trung ương và địa phương thì tốc độ tăng chi của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn tốc độ tăng tổng chi NSNN của cả nước. Về cơ cấu chi, tổng chi cân đối NSNN của vùng ĐBSCL cũng tăng nhẹ từ 12,4% năm 2010 lên 14,2% trong dự toán 2020. Sự thay đổi này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ cho phát triển vùng ĐBSCL, nhất là sau khi có nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017.
Tuy nhiên, mức tăng chi cân đối NSNN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển vùng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư (2019) cho thấy tỷ trọng đầu tư cho vùng ĐBSCL trong hai giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 chỉ chiếm khoảng 18% của cả nước. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn đầu tư của vùng lên tới 45.000 tỷ đồng, song ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng ½ trong số này.
Như vậy tỷ lệ chi đầu tư của NSĐP trong tổng chi cân đối NSNN không hề thấp, song do quy mô tuyệt đối của chi đầu tư nhỏ, hơn nữa các khoản chi này bị phân tán dàn trải, hầu như không thể dồn sức cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm mang tính liên vùng. Bên cạnh đó, do đặc điểm tự nhiên, kinh tế, và xã hội, ĐBSCL cũng khó có thể thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Hơn nữa, do số thu hạn chế nên việc huy động nguồn tài chính ngoài NSNN qua vay nợ của chính quyền địa phương cũng khó thực hiện. Nghị quyết 120/NQ-CP đã đề cập đến việc xem xét việc thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay Quỹ này vẫn chưa được thành lập và các chính sách liên quan đến huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho các tỉnh ĐBSCL vẫn còn hạn chế.
Phát triển ĐBSCL là yêu cầu cấp thiết nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực và đáp ứng tốt hơn những thách thức trong giai đoạn tới của vùng này. Giải pháp tài chính – ngân sách trong giai đoạn tới cần phải:
Thứ nhất, bổ sung chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển ĐBSCL chống biến đổi khí hậu khi phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối thay thế Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg cho giai đoạn 2021 – 2025;
Thứ hai, số tăng thu được để lại địa phương có quyền chủ động phân bổ chi đầu tư thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên chi các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế, nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu;
Thứ ba, đề xuất Quốc hội cho phép mở rộng hạn mức vay theo quy định của Luật NSNN đối với các tỉnh ĐBSCL để mở rộng dư địa tài chính cho mục tiêu đầu tư phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng;
Thứ tư, kiến nghị xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN giai đoạn 2021 - 2025 thay thế quyết định số 46/2016/QĐ-TTg tính đến đặc thù ĐBSCL để có tiêu chí phù hợp;
Thứ năm, với chi đầu tư phát triển, Quốc hội và Chính phủ cũng cần xem xét ban hành chính sách cho phép chia sẻ gánh nặng tài chính ngân sách giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL khi phát triển các công trình hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh;
Thứ sáu, cần đẩy nhanh việc xây dựng Quỹ phát triển ĐBSCL, đặc biệt là phát hành trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu chính phủ riêng cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Về tín dụng ngân hàng, hoạt động tín dụng ở ĐBSCL chưa tương xứng với vị thế kinh tế của vùng. Số dư tiền gửi và tín dụng năm 2019 của ĐBSCL chỉ chiếm lần lượt 5,4% và 8,2% so với quy mô cả nước trong khi Vùng đóng góp khoảng 18% vào GDP của nền kinh tế. Lũy kế đến 2019, cho thấy tổng nguồn lực huy động trong vùng chỉ tương đương 86% nhu cầu tín dụng, thấp hơn nhiều so với mức 129% của cả nước. Thoạt nhìn, số liệu này ngụ ý rằng nhu cầu vốn trong vùng vượt quá nguồn lực tiết kiệm, nhưng suy xét kỹ hơn thì thấy nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân không thiếu. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ doanh nghiệp và người dân không có phương án, sản xuất kinh doanh hiệu quả hay có tài sản đảm bảo an toàn.
Các khoản cho vay trong ngành nông nghiệp ở ĐBSCL có khuynh hướng tập trung vào một số doanh nghiệp dẫn đầu, có thị trường đầu ra và vùng nguyên liệu ổn định. Với các doanh nghiệp nhỏ, vốn tín dụng phụ thuộc vào xoay vòng nguồn vốn và ứng trước từ hợp đồng xuất khẩu đầu ra. Kết quả là hiệu quả kinh doanh giảm do phải chịu chi phí ứng trước lên đến khoảng 10% giá trị hợp đồng, rủi ro thua lỗ hay bỏ hợp đồng khá cao trong trường hợp giá giảm bất ngờ.
Với nông hộ sản xuất, phần lớn nhu cầu vốn tín dụng phụ thuộc vào các mô hình tín dụng của thương lái hay nhà cung cấp thức ăn – vật tư, và do vậy phụ thuộc vào kết quả vụ mùa nuôi trồng vốn có tỉnh rủi ro tương đối cao vì phụ thuộc cả vào điều kiện thời tiết, dịch bệnh lẫn biến động thị trường. Các khoản vay này có điều kiện vay linh hoạt, số vốn cho vay cao hơn nhưng chi phí lãi vay đồng nghĩa cũng cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Nguồn nhân lực – “Chảy máu chất xám”
14:00, 14/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Các lợi thế chưa khai phá
05:30, 14/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Cơ sở hạ tầng - nút thắt quan trọng
14:00, 13/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Công nghiệp vẫn là "vùng trũng"
05:00, 11/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế 2009 - 2019
05:30, 10/02/2021