Năng suất lao động: "Nút thắt" ở ngành công nghiệp giải trí (Bài 2)
Doanh nghiệp cần xem xét các phương pháp tác động đến lực lượng lao động một cách khéo léo để kéo họ về với nguồn cải thiện điều kiện sống thực sự của mình, thay vì hưởng thụ theo kiểu nửa vời.
Dù Việt Nam đi sau toàn cầu về phát triển kinh tế, nhưng lại tham gia vào hầu hết các sân chơi quốc tế, hội nhập sâu rộng, và khi hòa nhập thì phải chấp nhận những yếu tố thị trường chung, trong đó có sự xuất hiện của một ngành công nghiệp giải trí như vậy. Do đó, song song trong quá trình chật vật để tăng nhanh năng suất, thì nền công nghiệp giải trí này cũng đồng thời phát triển nổi bật.
Nhu cầu và hoạt động tiếp nhận các loại hình giải trí của người Việt khá cao, dễ dàng bắt gặp bất kỳ ai ở bất kỳ thời điểm nào với việc họ đang làm là tham gia các hoạt động giải trí. Điều này khiến người lao động ở nước ta có nguy cơ rơi vào trạng thái hưởng thụ nhiều hơn những gì mình có thể làm ra. Nếu như khuyến khích sinh con trước 30 tuổi của Chính phủ là sự phản ứng trước mối lo ngại “chưa giàu đã già” thì nay với tình trạng này, một mối lo “chưa giàu đã lười” khác lại đang hiện hữu.
Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật, vui chơi, giải trí đang ngày càng thu hút sự chú ý nhiều hơn của xã hội nói chung và người lao động nói riêng. Về cơ bản năng suất lao động phần lớn là chưa cao, nay còn bị pha loãng bởi các yếu tố giải trí, càng khiến sự tập trung của đa số người lao động xa dần những công việc thực sự mang lại điều kiện sống tốt hơn cho họ.
Mặt khác, với lối sống ưa giải trí, một thái độ lao động thiếu chuẩn mực cũng ra đời. Thái độ trong công việc của người lao động ảnh hưởng khá nhiều đến năng suất của người lao động. Thái độ lao động quy định mức độ nghiêm túc với việc mình đang làm, mức độ tuân thủ các kỷ luật lao động và là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm.
Nếu người lao động mang trên mình một thái độ không mấy tích cực và chuyển tải nó vào công việc đang làm, ắt hẳn sẽ khiến cho tiến độ công việc cũng như hiệu quả kinh tế của đơn vị bị giảm sút. Năng suất lao động cũng từ đó mà bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Ngoài ra, do sự bùng nổ của ngành công nghiệp giải trí khiến nhận thức chung cho rằng đây là mảnh đất màu mỡ trên thị trường lao động. Nhưng thực tế hiệu suất sử dụng lao động của ngành này khá thấp, nếu muốn có một cuộc sống đủ đầy nhờ vào ngành nghề trong lĩnh vực này cần đòi hỏi bắt buộc sự nổi tiếng. Và nổi tiếng thì không được “ban phát” một cách đại trà.
Do vậy, sẽ có một lượng dư thừa nhân lực đang tham gia vào lĩnh vực giải trí nhưng việc làm không ổn định để đáp ứng các nhu cầu sống, buộc họ phải chuyển sang những ngành nghề khác để tìm sinh kế. Khi tham gia vào ngành nghề khác, họ lại không có chuyên môn và không được đào tạo căn bản nên sẽ khiến năng suất làm việc không được đảm bảo, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như năng suất lao động chung của ngành.
Bên cạnh đó, yếu tố lợi nhuận đã thúc đẩy hàng loạt những sản phẩm “lỗi” của ngành công nghiệp giải trí bởi các cá nhân mong muốn được nhanh nổi tiếng. Với sự phổ biến nhanh chóng thông qua Internet cộng hưởng cùng gout thưởng thức dễ dãi của một số bạn trẻ đã khiến cho những “phi văn hóa phẩm” ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của những thế hệ này.
Khi nhận thức bị “ô nhiễm” sẽ dẫn đến suy nghĩ không được chín chắn, và cuối cùng là tư duy đơn giản. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai thị trường lao động. Lực lượng nhân công sẽ không xem trọng các giá trị lao động thuần túy, thay vào đó là một tâm lý làm việc không tâm huyết, nghiêm túc, dẫn đến năng suất lao động kém chất lượng.
Vậy nên, muốn có được lối đi đến mô hình Solow một cách thành công, các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng các cấp, các ngành cần quan tâm, cân nhắc nghiêm túc đến ngành giải trí Việt Nam, đi vào chiều sâu để có sự điều chỉnh phát triển sao cho hài hòa về tổng thể các ngành trong nền kinh tế. Doanh nghiệp cần xem xét các phương pháp tác động đến lực lượng lao động một cách khéo léo để kéo họ về với nguồn cải thiện điều kiện sống thực sự của mình, thay vì hưởng thụ theo kiểu nửa vời.
Và hơn hết, đây là việc làm có phạm vi rộng, Chính phủ và doanh nghiệp phải đảm bảo một mối liên kết chặt chẽ trong tiếp cận, làm từng bước, xử lý từng khâu cụ thể, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa vĩ mô và vi mô để kết quả đạt được khả quan.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất lao động: "Nút thắt" ở ngành công nghiệp giải trí (Bài 1)
04:00, 07/04/2021
Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh
11:00, 13/08/2020
Dồn lực nâng cao năng suất lao động quốc gia
02:00, 07/02/2020
Giúp nhân viên hiểu ý nghĩa công việc để tăng năng suất lao động
07:59, 08/01/2020
Tăng trưởng của Việt Nam chưa tạo được đột phá về năng suất lao động
09:49, 30/10/2019
Vai trò đạo đức hành nghề trong tăng năng suất lao động
04:03, 11/09/2019
Quý IV/2019, sẽ có "nhạc trưởng" dẫn dắt vấn đề năng suất lao động
11:00, 19/08/2019