Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, tăng trưởng của Việt Nam chưa tạo được đột phá về tăng năng suất lao động, điều này cho thấy tăng trưởng của chúng ta đang dựa vào khu vực chưa có giá trị gia tăng cao.
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, tăng trưởng của Việt Nam những năm qua đạt mức tương đối cao và bình ổn.
“Tuy nhiên chưa tạo được đột phá về tăng năng suất lao động, điều này cho thấy tăng trưởng của chúng ta đang dựa vào khu vực chưa có giá trị gia tăng cao”, Đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, muốn có khu vực tăng trưởng nhanh không thể dừng ở khâu sản xuất hiện nay như gia công, lắp ráp mà phải vào khâu sử dụng công nghệ mới, sử dụng các yếu tố tạo ra chuỗi gía trị tức phân khúc tạo giá trị cao.
Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc (Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, có nhiều dấu hiệu cảnh báo một số nguy cơ với nền kinh tế như ngành chế biến chế tạo đang có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ hàng tồn kho khu vực này là 17,3%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
“Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc, nhưng vào Mỹ là tăng nhưng tiềm ẩn nhiều lo ngại”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cùng với đó, cơ cấu chuyển dịch của thị trường xuất khẩu cũng theo hướng bất lợi. Đại biểu nhấn mạnh, 5 thị trường xuất khẩu lớn như EU đề giảm tốc, trong khi Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hầu hết quốc gia xuất siêu cao vào Mỹ đều bị nước này trừng phạt.
Chủ tịch VCCI cũng nêu vấn đề thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc. “Đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm tăng đột biến từ các nguòn Trung Quốc, Đài Loan, phát đi tín hiệu thiếu bền vững của dòng vốn FDI”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.
Do đó, để cải thiện chất lượng tăng trưởng các Đại biểu khẳng định động lực chính là khu vực doanh nghiệp trong nước. “Muốn đẩy sản xuất phát triển lên khâu có giá trị cao, không có cách nào khác là đổi mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Do đó, công nghệ sẽ là yếu tố then chốt để chuyển các khâu sản xuất từ khâu giá trị gia tăng thấp, sang khâu giá trị gia tăng cao”, Đại biểu Cường nhấn mạnh.
Đồng thời, theo Đại biểu, khi chuyển đổi khâu sản xuất như vậy thì đòi hỏi lao động cũng phải thay đổi theo, điều này sẽ thúc đẩy lao động không chỉ tạo ra giá trị mới mà còn nâng cao trình độ, kỹ năng.
Có thể bạn quan tâm
09:34, 30/10/2019
09:25, 30/10/2019
08:26, 30/10/2019
Trước đó, Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cho thấy, năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do thiên tai, dịch bệnh. Trình độ công nghệ còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm, chi phí logistics còn cao. Cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm..