Logistics Hải Phòng: Liên kết phát triển
Hải Phòng có nhiều điều kiện để phát triển thành trung tâm logistics quốc tế. Tuy nhiên, để hội nhập và phát triển thì vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Hải Phòng cần có những kiến nghị với Chính phủ cho phép thành phố có cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng, về thời hạn cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ...
- Mặc dù có nhiều tiềm năng trong phát triển, nhưng ngành logistics Hải Phòng vẫn được nhận định chưa tương xứng với tiềm năng, thưa ông?
Chúng ta cũng thấy cơ sở hạ tầng logistics của Hải Phòng được phát triển khá tốt, tuy nhiên cần xem lại quy hoạch cho hợp lý hơn. Bởi thực tế hiện nay, vận tải đường bộ vẫn chiếm tới 70%, phần lớn các doanh nghiệp đang sử dụng phương thức vận tải đường bộ là xe container. Trong khi đó vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường thuỷ nội địa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Gần đây, dù được lãnh đạo Thành phố quan tâm nhưng định hướng phát triển dịch vụ logsitics cần được xem xét để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Cùng với đó là yêu cầu về liên kết vùng trong phát triển logistics Hải Phòng và những địa phương xung quanh. Hải Phòng là cảng cửa ngõ, một lượng hàng lớn từ khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ đi qua Hải Phòng. Nhưng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đang chú trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp LSP, phát triển hệ thống logistics cho tỉnh mình. Vậy, một bài toán đặt ra với Hải Phòng cần hoạch định chiến lược nhằm thu hút nguồn hàng trong tương lai như thế nào? Vì vậy, việc liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics là yêu cầu quan trọng.
Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp ngành logistics Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Có mâu thuẫn hay không khi nói Hải Phòng có cơ sở hạ tầng logistics tốt nhưng rào cản cũng lại nằm trong chính lợi thế này?
Mặc dù có lợi thế về cảng biển, cảng nước sâu với nhiều cảng, nhưng các cảng đang trong quá trình container hóa, chỉ có thể tiếp nhận các tàu nhỏ và chưa được trang bị các thiết bị xếp dỡ container hiện đại, còn thiếu kinh nghiệm trong điều hành xếp dỡ container.
Hải Phòng cần xây dựng một số Trung tâm Logistics, trong đó tất cả các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa cho cả nội địa và quốc tế cần được thực hiện bởi các nhà khai thác trên cơ sở thương mại.
Cùng với đó, đường ra vào đa số các cảng biển hiện nay đều là những con đường độc đạo và nhỏ chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng của hàng hóa và lưu lượng xe gia tăng. Tình trạng phát triển hạ tầng lệ thuộc vào vận tải đường bộ gây nên tình trạng thường xuyên ách tắc vào giờ cao điểm; vào những dịp Lễ Tết khi lượng hàng về nhiều, hoặc chỉ cần có 1 vụ tai nạn giao thông cũng gây ách tắc đường ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa tại cảng. Khảo sát của Viện nghiên cứu thuộc VLA cho thấy, có đến 96% doanh nghiệp cho rằng hệ thống đường bộ thường xuyên tắc nghẽn làm ảnh hưởng đến hoạt động logistics.
Đặc biệt, có đến 100% doanh nghiệp nhận định rằng chi phí sử dụng hạ tầng logistics tại Hải Phòng cao đang ảnh hưởng đến hoạt động logistics và là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng chi phí logistics của doanh nghiệp.
Trong khi đó, năng lực vận tải đường sắt không được vận dụng hiệu quả do chưa được hiện đại hóa, không có sự kết nối đường bộ với đường sắt. Chưa phát huy năng lực của cảng hàng không trong việc chuyên chở hàng hóa.
- Vậy cần những giải pháp nào cho sự phát triển ngành logistics tại Hải Phòng, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thưa ông?
Thứ nhất, để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, Thành phố cần kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố có một cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng, về thời hạn cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ... Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, thủ tục ra vào cảng biển của tàu biển và hàng hóa.
Thứ hai, khó khăn lớn nhất của khu vực cảng Hải Phòng là kết cấu hạ tầng kết nối với vùng hậu phương, trong đó có các đường ra vào cảng. Thành phố cần đề nghị với Trung ương về việc nhanh chóng xây dựng các tuyến quốc lộ đã nêu trên và giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, tải trọng cầu đường, nhất là liên quan đến vận chuyển container để phục vụ tốt nhất cho dòng lưu chuyển hàng hóa thông qua cảng và thành phố.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi, đáp ứng yêu cầu của các cảng biển. Kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển và đạt hiệu quả hoạt động tại các điểm tập kết hàng. Bên cạnh đó, cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc.
Ngoài ra cần xây dựng một số Trung tâm dịch vụ logistics, trong đó tất cả các hoạt động liên quan tới vận tải, logisitics và phân phối hàng hóa cho cả nội địa và quốc tế được thực hiện bởi các nhà khai thác trên cơ sở thương mại. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ tích cực cho việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố.
Thứ tư, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Với cảng biển có thể xem xét theo mô hình hệ thống Portnet của Singapore, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển đường bộ, các đại lý giao nhận vận tải và các cơ quan của Chính phủ, nhất là hải quan.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong thành phố cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cung cấp dịch vụ. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần đơn giản hóa thủ tục hải quan và nhanh chóng triển khai đầy đủ thủ tục hải quan điện tử nhằm thúc đẩy nhanh lưu chuyển hàng hóa quốc tế. Đồng thời, cần hiện đại hóa công tác hải quan của thành phố về khai báo hải quan, kiểm hóa, thanh toán thuế theo chuẩn mực hải quan tiên tiến.
Thứ năm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics. Thành phố cần tận dụng đào tạo của Trường Đại học Hàng Hải trong việc đào tạo chuyên ngành logistics, quản trị chuỗi cung ứng.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty T&M Forwarding:
Hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logisticsDịch vụ logistics là chuỗi giá trị… bao gồm nhiều loại hình như vận tải, kho bãi, quản lý chuỗi cung, thủ tục hải quan, quản lý dịch vụ logistics,… Các doanh nghiệp Hải Phòng hiện mới phát triển đơn lẻ các dịch vụ, do đó cần liên kết lại để tạo dịch vụ theo chuỗi cung ứng. T&M với lợi thế về lĩnh vực vận chuyển quốc tế hoàn toàn có thể kết hợp với những doanh nghiệp về kho bãi, về vận tải và dịch vụ hải quan… để tạo chuỗi dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Có thể thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới là xu hướng tất yếu về thương mại và logistics toàn cầu, đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Tuy nhiên, yêu cầu mạng lưới và công nghệ phù hợp là tiên quyết đối với doanh nghiệp logistics khi muốn nắm bắt xu thế này. Để đón nhận cơ hội này của thị trường, chúng ta cần khắc phục điểm yếu có tính cố hữu về công nghệ, mạng lưới của doanh nghiệp logistics. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ cho riêng doanh nghiệp ngành logistics để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sao Á D.C:
Liên kết doanh nghiệp tạo “xương sống” phát triển ngànhQuá trình hội nhập và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics là yêu cầu tất yếu. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp logistics Hải Phòng phải liên kết lại để sớm thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng.
Hiệp hội này chính là cánh tay nối dài của chính quyền để đưa ra định hướng tốt nhất cho phát triển ngành logistics. Các doanh nghiệp logistics cũng sẽ có nhiều cơ hội giao lưu với nhau hơn, một số doanh nghiệp sẽ là sếu đầu đàn để tổ chức sản xuất với quy mô đủ lớn. Các doanh nghiệp thành viên thay vì tự phát triển kho bãi logistics 1-2 ha thì cùng nhau hợp sức phát triển một trung tâm logistics cấp vùng.
Sau khi thành lập Hiệp Hội Logistics Hải Phòng, một trong những việc làm đầu tiên là các hội viên sẽ mời các chuyên gia tầm cỡ quốc tế, khu vực nghiên cứu, khảo sát để đề xuất thành phố Hải Phòng quy hoạch cảng biển và logistics Hải Phòng. Khi chúng ta có hoạch định tốt, có sự quan tâm của lãnh đạo và khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp logistics, Hải phòng sẽ trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế trong tương lai không xa.
Ông Lê Văn Thuẫn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng:
Quy hoạch phát triển hạ tầng cảng biểnHải Phòng có các yếu tố thuận lợi trong quá trình phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ hàng hải và vận tải biển, trở thành một trong hai đầu mối trung tâm giao lưu hàng hải lớn nhất của cả nước. Để giải quyết một số tồn tại trong phát triển hạ tầng cảng biển, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt các Quy hoạch phát triển cảng biển liên quan đến khu vực Hải Phòng để tạo cơ sở pháp lý, định hướng, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cảng biển khu vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển của đất nước và khu vực.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế triển khai nạo vét duy tu luồng hàng hải thường xuyên hàng tháng đảm bảo chuẩn tắc thiết kế; đặc biệt quan tâm đến vị trí đổ thải nạo vét duy tu cho tuyến luồng Hải Phòng đang gặp khó khăn. Đặc biệt, cần nghiên cứu mở rộng luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam thành 2 chiều để tránh gây ùn tắc cho các tàu vào, rời các bến cảng thượng lưu cảng Lạch Huyện.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic, phát triển các trung tâm logistic lớn tại khu vực; rà soát quy hoạch các kho bãi, ICD, depot nhỏ lẻ, không tập trung gây lãng phí diện tích và gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh...
TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam:
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng caoHải Phòng hiện có khoảng gần 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics với khoảng 175.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng thiếu cả về chất lượng và số lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% - 45% nhu cầu của ngành. Do đó, các bên bao gồm doanh nghiệp-nhà trường- cơ quan quản lý nhà nước cần hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo nhân lực. Trước mắt, thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh đầu tư nhằm phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Các khóa học ngắn hạn này cần cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có.
Về phía các doanh nghiệp logistics nên có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ. Việc học tập, chia sẻ kinh nghiệm nên trở thành hoạt động thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Thúc đẩy ngành logistics phát triển bằng cách nào?
06:50, 21/04/2021
Doanh nghiệp kỳ vọng thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Hải Phòng
08:00, 21/03/2021
Doanh nghiệp “khổ” vì chi phí logistics tăng cao
11:00, 04/03/2021
Điểm tựa chính sách cho doanh nghiệp logistics Việt
11:00, 22/02/2021