Gần 40% số người trong ngành du lịch bị mất việc làm
Đến tháng 3/2021, khoảng 61% số người lao động có việc làm trong ngành du lịch so với trước dịch COVID-19 (tương ứng với 39% số người trong ngành này bị mất việc làm).
Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa công bố khảo sát khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch trong dịch COVID-19. Kết quả cho thấy đến tháng 3 còn khoảng 61% số lao động trong ngành du lịch có việc làm so với trước dịch. Trong đó, tỷ lệ lao động trong các sở lưu trú có việc làm so với trước dịch là 61%, lữ hành quốc tế là 60% và bán hàng lưu niệm là 58%.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Không chỉ vậy, khảo sát còn cho biết dịch COVID-19 khiến doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Ước tính có khoảng 56% số doanh nghiệp trả lời doanh thu của năm 2020 chỉ còn ít hơn 25% so với năm 2019. Trong đó, chịu tác động nặng nhất là các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ, của ngành lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và vận chuyển du lịch. Dịch COVID-19 làm tăng thêm những chi phí phát sinh như chi phí quản lý, chi phí trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc...
Một kết quả khảo sát khác cũng đã được ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thông tin, đó là khảo sát về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời COVID-19, trong đó ghi nhận, hơn 83% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong vòng vài tháng tới, nhất là vào mùa hè 2021. Du khách TP HCM sẵn sàng đi du lịch sớm hơn, du khách Hà Nội đi nhiều hơn vào mùa hè. Hơn 69% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay, điều này cho thấy nhu cầu đi du lịch đã có những tín hiệu tích cực.
Dự báo năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn với ngành du lịch. Hầu hết doanh nghiệp dự đoán phải đến nửa sau năm 2022, ngành kinh tế này mới có thể trở lại bình thường.
Những đề xuất với Chính phủ được đưa ra là phục hồi sức khỏe doanh nghiệp du lịch, hồi phục và phát triển du lịch nội địa, chuẩn bị để mở cửa cho du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hợp tác công tư, chính quyền cần lắng nghe và hiểu các doanh nghiệp du lịch hơn; xây dựng, tổ chức quản lý điểm đến tốt hơn; phổ biến những bài học điển hình của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang hoạt động bình thường trở lại.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, để chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây, TAB đề xuất cần thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia từ các bộ khác nhau, từ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Bất kỳ sự mở cửa cho du lịch như thế nào cũng cần phải an toàn và có lộ trình. Theo đó, nên tiến hành đàm phán song phương với từng nước đã đạt được các tiêu chí về an toàn dịch bệnh; đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như: yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng; xét nghiệm PCR trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.
Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm COVID-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound). Ngành du lịch cần xây dựng một quy trình đón và phục vụ khách du lịch an toàn dịch bệnh. Để có được ưu thế cạnh tranh khu vực, TAB cho rằng cần phải có một chính sách visa cởi mở và hoàn thiện hơn.
“Hội đồng Tư vấn du lịch hoàn toàn không coi hộ chiếu vaccine là một giải pháp duy nhất và quan trọng nhất, đây chỉ là một trong những biện pháp để an toàn”, Trưởng ban Ban Thư ký TAB Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Miền Tây và Miền Trung "bắt tay" phục hồi du lịch
04:19, 25/04/2021
Mong các ngành cùng vào cuộc để thúc đẩy ngành du lịch phát triển
01:33, 24/04/2021
Đà Nẵng tìm cách "gỡ nút thắt" cho sản phẩm du lịch đêm
07:02, 21/04/2021
Kích cầu du lịch, Hà Nội tập trung “hút” khách du lịch trong nước
15:13, 17/04/2021
Tìm cách gỡ vướng cho sản phẩm du lịch đêm
20:41, 16/04/2021