Vì sao xuất khẩu vào châu Mỹ chưa đạt kỳ vọng dù có CPTPP?
Mặc dù có tăng trưởng nhưng sau 2 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.
Sau 2 năm CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD, tăng 45% và 3,17 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, ba tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 15% (đạt 1,13 tỷ USD), Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD), Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD).
"Những con số này khẳng định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ, vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong CPTPP và khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh.
Mặc dù có tăng trưởng nhưng công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy sau 2 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp, mới chỉ đạt 4%. Trong đó, tỷ lệ thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ theo CPTPP hiện còn ở mức thấp. Cụ thể, Mexico chỉ chiếm 1,3%, Canada cũng chỉ chiếm 1,1%...
Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng bên cạnh các yếu tố khách quan như tình hình dịch Covid-19 thì các vấn đề chủ quan từ chính các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hoá vào thị trường các nước châu Mỹ chưa đạt được như kỳ vọng.
Theo bà Trang, hiện nay các doanh nghiệp Việt đang gặp khó về vấn đề quy tắc xuất xứ. "Doanh nghiệp khi bước vào lần đầu tiên thì sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Đối với một số mặt hàng chủ lực như dệt may, các quy tắc xuất xứ về vải, sợi còn nhiều khó khăn", bà nêu ví dụ.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Đỗ Thị Thu Hương cho biết Canada, Peru, Mexico là những nước lần đầu tiên Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng nghiên cứu cho thấy phần lớn doanh nghiệp sử dụng FTA cũ thay vì sử dụng FTA mới phức tạp. Theo bà Hương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 1,5 lần so với năm 2018. "Điều này cho thấy tác động trực tiếp có nhưng không phải toàn bộ bởi tỷ lệ sử dụng thuế ưu đãi CPTPP thấp, chỉ chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu..." - bà Hương nói.
Hơn nữa, mặc dù Mỹ không phải thành viên nhưng xuất khẩu sang thị trường này cao hơn nhiều. Do đó, CPTPP không phải yếu tố quyết định toàn bộ việc doanh nghiệp Canada biết đến Việt Nam mà là nhờ sự tin tưởng chất lượng hàng Việt Nam nhiều hơn từ mối liên hệ giữa các doanh nghiệp.
Đưa ra lý do cho việc này, bà Hương cho rằng, quy tắc xuất xứ của Việt Nam quá khó nên chưa tận dụng và tiếp cận được ưu đãi. Để thâm nhập được sâu hơn vào thị trường này, bà Đỗ Thị Thu Hương lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; thích ứng với quy tác xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ. Doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Canada trong bối cảnh dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao doanh nghiệp “lắc đầu” với hạn ngạch thuế quan nhập ô tô cũ theo CPTPP?
11:01, 16/04/2021
"CPTPP mở ra chân trời mới cho doanh nghiệp Việt"
10:30, 13/04/2021
Doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng lợi ích từ CPTPP?
05:50, 11/04/2021
Yếu kém về năng lực cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ CPTPP
04:50, 11/04/2021
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Doanh nghiệp “bỏ lỡ” ưu đãi thuế quan từ CPTPP?
11:21, 10/04/2021
Vì sao doanh nghiệp chưa tận dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP?
00:38, 08/04/2021
"Gần 70% doanh nghiệp biết về CPTPP"
13:27, 07/04/2021
TS Vũ Tiến Lộc: Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP - mừng và lo
11:39, 07/04/2021
“Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada là một trong những mẫu hình thành công nhất mà CPTPP mang lại”
16:36, 23/03/2021