Xuất khẩu của Việt Nam đang lan tỏa đi đâu?
Xuất khẩu của Việt Nam tăng lên một đơn vị sẽ lan tỏa đến sản lượng của Việt Nam 75,4%, và 22,8% sẽ lan tỏa sang Trung Quốc và Hàn Quốc.
Số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng điện thoại di động năm 2020 đạt 253,2 triệu chiếc, gấp 1,3 lần năm 2016, quý I/2021 sản lượng điện thoại di động của cả nước đạt 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng điện thoại di động, máy tính và linh kiện cũng tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu của Việt Nam khi năm vừa qua đạt kim ngạch 50,9 tỷ USD. Số lượng điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện sản xuất tại Việt Nam chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu.
Hàm lượng chuỗi giá trị chưa phản ánh đúng tiềm năng
Số liệu tính đến tháng 2/2021 cho thấy, phần lớn những sản phẩm này thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%, hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%.
Một số ý kiến cho rằng, những sản phẩm điện thoại đi động và linh kiện, máy tính là linh kiện được các doanh nghiệp FDI sản xuất ở Việt Nam là “made in Việt Nam”. Tuy nhiên, hàm lượng của các doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm này rất thấp, hầu như chỉ là công lắp ráp, điện, nước (giá rẻ) và bao bì.
Nghiên cứu về giá trị tăng thêm trong thương mại dựa trên bảng đầu vào – đầu ra liên quốc gia công bố bởi OECD để tính toán sự lan tỏa của sản phẩm cuối cùng (bao gồm cho nhu cầu nội đia nhu cầu của các nước khác trong mô hình) không chỉ lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nước đó, mà còn lan tỏa đến giá trị tăng thêm các nước khác mà nước đó có quan hệ thương mại.
Nước nào sử dụng nhiều đầu vào từ nước khác trong quá trình sản xuất sẽ kính thích đến sản lượng của nước khác, qua đó kích thích quá trình tạo thu nhập của nước khác. Kết quả tính toán bước đầu cho thấy, ảnh hưởng của xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất của Việt Nam thấp nhất trong các quốc gia trong mô hình (Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và EU).
Xuất khẩu của Việt Nam tăng lên một đơn vị sẽ lan tỏa đến sản lượng của Việt Nam 75,4%, và 22,8% sẽ lan tỏa sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng sự lan tỏa này đến giá trị tăng thêm của Việt Nam chỉ còn 72,2% và lan tỏa đến giá trị tăng thêm của Trung Quốc tăng lên 24,8%. Ảnh hưởng của xuất khẩu đến giá trị sản xuất của Trung Quốc là tốt nhất, nết xét ảnh hưởng của xuất khẩu đến giá trị tăng thêm thì Hoa Kỳ là tốt nhất.
Ngoài ra, khi tính toán về lan tỏa của cầu cuối cùng (final demand) ảnh hưởng đến phía cung trong nước và nhập khẩu cho thấy cầu cuối cùng của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất khá mạnh chỉ sau Trung Quốc, nhưng trớ trêu là cơ bản lại kích thích sản lượng của Trung Quốc, chiếm gần 68% trong tổng giá trị sản xuất cho nhu cầu cuối cùng của Việt Nam, trong khi chỉ kích thích sản lượng trong nước của Việt Nam 24,6%.
Trong khi đó cầu cuối cùng của Trung Quốc kích thích sản lượng trong nước rất mạnh, nhu cầu cuối cùng cũng kích thích sản xuất Hoa Kỳ và EU tương đối tốt. Cầu cuối cùng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU kích thích lẫn nhau một cách tương đối bằng phẳng. Trong khi đó cầu cuối cùng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU hầu như không có ảnh hưởng gì đến Việt Nam.
Chỉ số lan tỏa chưa tương xứng
Việt Nam có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đến giá trị sản xuất rất thấp, trong khi hai chỉ số này của Trung Quốc cao nhất. Ngược lại, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam không có ảnh hưởng nhiều đối với các nước được khảo sát trong mô hình. Điều này không hoàn toàn do quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn các nước mà do cấu trúc sử dụng sản phẩm làm đầu vào cho sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam tuy nhận một số sản phẩm là của Việt Nam (Made in Vietnam), nhưng thực chất chỉ làm gia công, lắp ráp.
Để làm rõ hơn sản phẩm cuối cùng được sử dụng cho nhu cầu trong nước của mỗi quốc gia lan tỏa đến giá trị tăng thêm ra sao? Kết quả tính toán qua mô hình cho thấy lan tỏa từ sản phẩm cuối cùng của Việt Nam đến giá trị tăng thêm là rất thấp, chỉ bằng gần một nửa mức lan tỏa cầu cuối cùng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU (một đơn vị sản phẩm cuối cùng sử dụng cho nhu cầu trong nước lan tỏa đến giá trị tăng thêm của Việt Nam là 0,45 đơn vị, trong khi của Trung Quốc là 0,97, Hoa Kỳ là 0,94 và EU là 0,95).
Tất nhiên, việc so sánh cấu trúc kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU có phần khập khiễng, nhưng cũng để thấy cấu trúc kinh tế của Việt Nam thực sự rất lạc hậu.
Để thực sự chuyển mình cần nhìn nhận vấn đề một cách minh bạch và chấp nhận sự thật để thay đổi. Nếu không bao giờ bắt đầu hoặc chỉ bắt đầu bằng những lời nói và khẩu hiệu sẽ không bao giờ tới đích.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao xuất khẩu vào châu Mỹ chưa đạt kỳ vọng dù có CPTPP?
04:00, 28/04/2021
Tận dụng cơ hội Vàng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Mỹ
17:06, 27/04/2021
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ
13:30, 21/04/2021
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lao dốc
04:00, 20/04/2021
Bất cập chiến lược xuất khẩu gạo
11:00, 15/04/2021
Gam màu sáng cho xuất khẩu dệt may
04:00, 13/04/2021
Xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam sẽ còn giữ mức cao trong thời gian tới
11:04, 12/04/2021
Xuất khẩu gạo quý I/2021 giảm mạnh, do đâu?
04:00, 12/04/2021