Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần qua đã giảm xuống 485 - 495 USD/tấn, mức giảm thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020 đến nay.
Giá gạo xuất khẩu đã liên tục biến động từ đầu năm 2021 đến nay theo chiều hướng sụt giảm. Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần giữa tháng 4/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần từ 10-17/4 giảm xuống 485 – 495 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020, và giảm so với giá 495 – 500 USD/tấn của tuàn trước đó.
Một thương nhân tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá gạo giảm do chất lượng vụ lúa Đông-Xuân giảm dần vào cuối vụ thu hoạch. Các nhà xuất khẩu cho biết họ đang tập trung hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó và dự kiến sẽ không ký thêm hợp đồng mới vì chi phí vận chuyển cao.
Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan cũng sụt giảm. Tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 388 - 392 USD/tấn vào tuần trước, từ 390 - 395 USD của tuần trước nữa.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn 465 - 482 USD/tấn, chỉ trên mức trung bình trong hơn 5 tháng, từ mức tương ứng 488 - 500 USD/tấn vào tuần trước. Các nhà giao dịch có trụ sở tại Bangkok cho biết sự sụt giảm giá gạo phần lớn là do đồng baht giảm gần 4% kể từ đầu tháng 3/2021.
Tại Bangladesh, giá gạo nội địa đã tăng sau khi lệnh phong toả kéo dài một tuần bắt đầu vào thứ Tư (14/4) do số ca nhiễm bệnh đạt khoảng 7.000 ca/ngày trong hai tuần qua, từ mức dưới 300 hồi tháng 2.
Quay trở lại với thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong tháng 3/2021 đã tăng mạnh so với tháng liền trước do xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt đồng loạt tăng cao bởi các nhà nhập khẩu tập trung mua lúa Đông xuân chính vụ. Đặc biệt, xuất khẩu sang Philippines tháng này tăng 81% về lượng và tăng 78% kim ngạch, đạt 155.707 tấn, tương đương 82,33 triệu USD; Ghana tăng 339,5% về lượng và tăng 276,6% kim ngạch, đạt 44.836 tấn, tương đương 25,85 triệu USD... Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 3 cũng tăng theo xu hướng chung của thế giới.
Mặc dù vậy xuất khẩu gạo trong quý I lại giảm 21,4% về khối lượng, chỉ đạt trên 1,19 triệu tấn; kim ngạch cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn nhờ giá gạo tăng, theo đó kim ngạch xuất khẩu gạo quý I giảm 7,4% so với cùng kỳ, còn 648,64 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân gây sụt giảm xuất khẩu gạo trong quý I là do 2 tháng đầu năm là thời điểm giáp hạt, nguồn cung lúa gạo hạn chế. Đáng chú ý, nguyên nhân chính dẫn tới xuất khẩu quý I giảm là do cuộc khủng hoảng container trên toàn cầu. Các doanh nghiệp cho biết, ngay từ đầu năm 2021 họ đã rất khó khăn trong việc thuê container, một số thuê được thì số lượng cũng rất hạn chế và giá tăng rất cao, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gạo.
Những yếu tố trên kết hợp khiến xuất khẩu gạo sang các thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc giảm tới 32,8% khối lượng nhập khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm.
VFA nhận định, xuất khẩu gạo bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 sẽ sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu. Ngành lúa gạo đặt mục tiêu xuất khẩu trên 6,1 triệu tấn trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm