Chiến lược nào cho giá gạo xuất khẩu?: Không nên cạnh tranh bằng giảm giá

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 15/05/2021 04:00

Gạo có lẽ là mặt hàng đứng đầu với việc có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, trong đó không thể không nói tới chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

LTS: Gạo xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt và đang có mức giảm sâu khi các nước đối thủ như Thái Lan và Ấn Độ liên tục điều chỉnh giá. Đây là điều bất thường trong bối cảnh giá các nguyên, phụ liệu đều tăng trên toàn thế giới.

 Sản lượng gạo xuất khẩu và tương quan giá gạo của Việt Nam so với Thái Lan. Nguồn: TCHQ, Hiệp hội XK gạo, FAO.

Sản lượng gạo xuất khẩu và tương quan giá gạo của Việt Nam so với Thái Lan. Nguồn: TCHQ, Hiệp hội XK gạo, FAO.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm có hiệu lực, chiến lược xuất khẩu gạo chẳng mấy ăn nhập với thực tế và cũng đã có những quan điểm khác nhau về phát triển mặt hàng này.

Quan trọng là giá trị?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong các tháng đầu năm 2021, trừ gạo thơm cao cấp, loại gạo trắng 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các loại gạo cùng chủng loại của Ấn Độ, Thái Lan. Theo Bộ NN-PTNT, hết quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo giảm mạnh tới 30,4% về lượng, nhưng về giá trị chỉ giảm 17%, đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đừng vội vã giảm giá gạo xuất khẩu với mục đích cạnh tranh, rất dễ bị “mắc bẫy” thị trường. Dù giảm song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất hơn 9 năm qua và cao hơn khoảng 100 USD mỗi tấn so với cùng thời điểm này năm ngoái. Làm như vậy là “tiếp tay” cho thương nhân nước ngoài ép giá gạo Việt Nam như đã từng xảy ra nhiều năm qua. Tôi nói thẳng, giá gạo Việt bị ép giá mua trong nước giảm là do chính chúng ta tự lấy đá ghè chân mình mà thôi.

Trong khi đó, từ hàng chục năm nay, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA) vẫn kiên trì với quan điểm cho rằng, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn không ngừng tăng. Dự báo gần đây nhất của cơ quan này cho rằng, nhập khẩu gạo của thế giới năm 2019 là 45,9 triệu tấn, nhưng sau đó 10 năm thì tăng lên 54,9 triệu tấn, còn phần đóng góp của chúng ta tăng từ 6,5 triệu tấn lên 7,5 triệu tấn.

Tương tự như vậy, nhưng FAO – OECD lại đánh giá vai trò của chúng ta cao hơn rất nhiều, bởi hai con số mà họ đưa ra đối với chúng ta lần lượt là 7 triệu tấn và 9 triệu tấn. Có lẽ, cái lý để dự báo xuất khẩu gạo của chúng ta còn tiếp tục tăng nằm ở hai điểm mấu chốt. Đó là, nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn tiếp tục tăng và trong bối cảnh như vậy, năng suất cao vượt trội của chúng ta đồng nghĩa khả năng cạnh tranh và đạt lợi nhuận thoả đáng.

df

 Doanh nghiệp Việt đừng vội vã giảm giá gạo xuất khẩu với mục đích cạnh tranh, rất dễ bị “mắc bẫy” thị trường.

Kịch bản ứng phó

Cho dù là chiến lược nào đi chăng nữa, thì hai vấn đề có lẽ thuộc loại mấu chốt sau đây lại chưa được quan tâm đầy đủ:

Thứ nhất, muốn có gạo xuất khẩu được giá thì phải có chất lượng và chất lượng trước hết được thể hiện ở thương hiệu. Trong khi những mục tiêu cụ thể về gạo có thương hiệu cũng đã được ấn định, nhưng cánh đồng lớn ở vựa lúa lớn nhất nước lại ngày càng nhỏ dần.

Thứ hai, việc xử lý mâu thuẫn giữa hai quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh lương thực có lẽ vẫn còn để ngỏ.

Trước hết, nếu “căn ke” theo chiến lược hiện nay, nhiệm vụ đặt ra là duy trì sản xuất lúa gạo đủ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu từ nay đến năm 2030 như nói trên thì mới đạt hiệu quả kinh tế - xã hội; còn diện tích đất lúa còn lại thì chuyển sang các mục đích sử dụng khác cho hiệu quả cao hơn.

Trong khi đó, như dự báo của Liên Hợp Quốc cho thấy, theo phương án trung bình, mức kỷ lục của dân số nước ta sẽ là 116 triệu người vào năm 2059, còn theo phương án cao sẽ tới 163 triệu người vào cuối thế kỷ này mà vẫn chưa biết đó đã phải là kỷ lục hay chưa.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, một phần diện tích hai vựa lúa lớn nhất nước sẽ bị nước biển nhấn chìm, nên những “báu vật quốc gia” này sẽ bị thu nhỏ tương ứng, nếu như không có phương án quai đê biển giống như Hà lan để giữ, hoặc phương án này không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra bằng cách xây dựng lợi thế cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực với nỗ lực gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả.

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam mục tiêu đến 2030

Phấn đấu vào năm 2030 lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn; tỷ trọng gạo trắng thường chiếm khoảng 25%, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao... và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%). Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 25%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 6%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 10%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 14/05: Chiến lược nào cho giá gạo xuất khẩu?

    ĐIỂM BÁO NGÀY 14/05: Chiến lược nào cho giá gạo xuất khẩu?

    05:30, 14/05/2021

  • Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lao dốc

    Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lao dốc

    04:00, 20/04/2021

  • Mừng lo giá gạo

    Mừng lo giá gạo

    11:00, 01/04/2021

  • Giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức cao kỷ lục

    Giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức cao kỷ lục

    03:30, 24/03/2021

  • Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về giá gạo xuất khẩu

    Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về giá gạo xuất khẩu

    09:00, 23/03/2021

  • Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lập đỉnh mới

    Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lập đỉnh mới

    03:30, 03/01/2021

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH