TP.HCM: 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm

ĐÌNH ĐẠI 29/06/2022 15:40

Các thủ tục hành chính cần phải được tập trung giải quyết nhanh hơn để nâng cao năng lực hấp thụ vốn vào nền kinh tế cũng như đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn quá trình phục hồi kinh tế.

>>>6 tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM phục hồi nhanh và đồng bộ

TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 - Ảnh: TTBC.

TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 - Ảnh: TTBC.

Phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, Chú tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau dịch, quá trình phục hồi kinh tế xã hội diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết những tồn đọng, vướng mắc.

Các thủ tục hàng chính cần phải được tập trung giải quyết nhanh hơn để nâng cao năng lực hấp thụ vốn vào nền kinh tế cũng như đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn quá trình phục hồi kinh tế. Do đó, những vấn đề vướng mắc cần phải được tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2022, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung rà soát việc thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là các giải pháp để đảm bảo thu chi ngân sách của Thành phố.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện các công trình, đề án trong 49 đề án đã được sắp xếp. Đề nghị Viện nghiên cứu và phát triển tiếp tục rà soát và trả lời, trong 49 đề án này, đề án nào đã triển khai có kết quả, đề án nào chỉ mới bắt đầu. Phấn đấu đến tháng 10/2022, tất cả các đề án phải được đưa vào triển khai thực hiện.

Thứ ba, tập trung quyết liệt triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố, rà soát, bổ sung quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức. Đối với quy hoạch chung của TP.HCM cơ bản hoàn thành vào cuối năm nay. Chậm nhất đến quý I/2023 hoàn thành kinh tế xã hội của Thành phố và phân đấu phê duyệt vào giữa năm 2023.

“Về đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố. Đây là chủ trương trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Hiện Thành phố đang xây dựng đề án để có lộ trình chuyển các huyện thành quận hoặc thành phố trong thời gian tới, chứ không phải năm nay chúng ta bàn bạc thì năm sau các huyện này sẽ lên quận hoặc thành phố. Thứ hai là Thủ Đức lên thành phố trực thuộc Thành phố thì các huyện khác cũng lên thành phố như Thủ Đức. Tránh tình trạng chưa xây dựng được thành phố nào thì giá đất đã lên cao ngất ngưởng”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

>>>TP.HCM: Quận 7 sẽ là điểm đến toàn cầu!

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: TTBC.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: TTBC.

Thứ tư, tập trung quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công, có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt chỉ tiêu vào cuối năm. Theo đó, từng dự án đầu tư công phải có kế hoạch tiến độ. Đồng thời, duy trì giao đầu tư công hàng tháng, phát huy hoạt động của các Tổ công tác, nhằm rà soát lại từng dự án có vướng mắc. Qua đó, đề xuất tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ của các dự án đầu tư công vào những tháng cuối năm.

Thứ năm, tập trung triển khai các dự án trọng điểm như Chương trình nhà ở, chống ngập, công trình giao thông, Trung tâm tài chính và những dự án lớn khác.

Thứ sáu, tập trung hơn nữa các giải pháp cho ngành công nghiệp phục hồi chập trong 6 tháng, các ngành dịch vụ trọng điểm, cũng như tập trung các giải pháp để phục hồi du lịch.

Thứ bảy, triển khai nhanh các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Cụ thể, tập trung triển khai đề án 06, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung và liên thông được dữ liệu. Phải ra mắt được công Dịch vụ công thành phố kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý III/2022. Tập trung đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến thanh toán điện tử. Đồng thời, triển khai nền tảng kinh tế xã hội, và nền tảng tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân thông qua nền tảng số.

Thứ tám, triển khai kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phong trảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, hoàn thiện khung pháp lý hoạt động cho Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố; trình lại và ban hành khung pháp lý cho Viện khoa học tiến tiến.

Thứ chín, về văn hóa xã hội. Cần quan tâm đến vấn đề văn hóa xã hội ngang bằng với phục hồi và phát triển kinh tế để xứng tầm một đô thị lớn. Các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cầm phải cụ thể hơn. Đối với giáo dục, sớm hoàn thiện chiến lược giáo dục của Thành phố trong quý III. Về việc sửa đổi mức học phí theo Nghị định 81 là việc cần làm, tuy nhiên, Thành phố sẽ chưa tiến hành thu trong năm học 2022-2023.

Về y tế, tiếp tục kiên trì, hoàn thiện triển khai chiến lược y tế sau phục hồi. tập trung phòng chống dịch COVID-19 với biến thể mới, cũng như dịch sốt xuất huyết. Các địa phương phối hợp tổ chức tiếp nhận các cơ sở y tế theo quyết định mới ban hành. Trong tháng 7/2022, đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm, đồng thời rà soát lại công tác mua sắm nhằm đảm bảo thuốc men, vật tư y tế cho hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thứ mười, cần đánh giá đúng và có các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về vấn đề lao động, nguồi nhân lực cho nền kinh tế của Thành phố. Sở Lao động thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các viện, trường nhằm đánh giá và dự báo chính xác hơn và có những giải pháp cho nguồn nhân lực của Thành phố, gắn với việc tái cơ cấu các ngành kinh tế của Thành phố, cũng như các định hướng phát triển của Thành phố trong thời gian tới.

Thứ mười một, tiếp tục phối hợp và đảm bảo về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Tập trung, triển khai nhanh hơn nữa đề án 06, hiện đang chậm hơn Hà Nội.

Thứ mười hai, tập trung giải quyết các tồn đọng, các thủ tục hành chính, các vướng mắc. Các quận, huyện, sở ngành đều phải rà soát lại thủ tục hành chính, đặc biệt là ngành quy hoạch, tài nguyên, xây dựng, kế hoạch đầu tư và thuế. Các ngành này cần phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu để liên thông và phối hợp đồng bộ hơn. Đối với các quận, huyện cũng cần tập trung rà soát lại để tăng cường các giải pháp giải quyết tồn đọng.

Có thể bạn quan tâm

  • 6 tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM phục hồi nhanh và đồng bộ

    6 tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM phục hồi nhanh và đồng bộ

    10:22, 29/06/2022

  • TP.HCM: Quận 7 sẽ là điểm đến toàn cầu!

    TP.HCM: Quận 7 sẽ là điểm đến toàn cầu!

    17:02, 28/06/2022

  • TP.HCM: Cam kết “gỡ điểm nghẽn” cho doanh nghiệp!

    TP.HCM: Cam kết “gỡ điểm nghẽn” cho doanh nghiệp!

    13:55, 27/06/2022

  • Loạt vấn đề lớn của thị trường bất động sản TP.HCM

    Loạt vấn đề lớn của thị trường bất động sản TP.HCM

    09:18, 23/06/2022

  • TP.HCM: Khởi tố và bắt giam TGĐ Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam

    TP.HCM: Khởi tố và bắt giam TGĐ Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam

    12:10, 21/06/2022

  • Xây dựng nền tảng để lãnh đạo TP.HCM trao đổi trực tuyến với doanh nghiệp

    Xây dựng nền tảng để lãnh đạo TP.HCM trao đổi trực tuyến với doanh nghiệp

    13:25, 18/06/2022

ĐÌNH ĐẠI