Doanh nghiệp làm gì để cùng Chính phủ giảm phát thải ròng bằng “0”?
Đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xây dựng những kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu này.
>>>Cần những biện pháp mạnh mẽ để cắt giảm phát thải khí nhà kính
Tham vọng của doanh nghiệp
Bà Lý Thị Phương Trang – Tổng giám đốc Công ty Daikin Việt Nam cho biết, nhằm đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Daikin Việt Nam đã xây dựng kế hoạch giảm phát thải ròng bằng “0” trong giai đoạn 2025 – 2050. Mục tiêu này trùng với mục tiêu Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Theo bà Phương Trang, là một tập đoàn sản xuất máy điều hòa không khí, Daikin Việt Nam luôn muốn phát triển các sản phẩm, cũng như những thiết bị có công nghệ tiết kiệm điện. Từ năm 2000, Daikin đã triển khai các sản phẩm tiết kiệm điện với công nghệ biến tần (inverter), Daikin cũng là đơn vị đi đầu trong việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương phát động.
“Ngay từ khi nhà máy được thành lập từ năm 2018 tại Hưng Yên, chúng tôi đã đặt mục tiêu chỉ sản xuất dòng máy không khí loại biến tần (tiết kiệm điện) tương ứng với 5 Sao, sử dụng chất làm lạnh Gas R32 loại thân thiện với môi trường có chỉ số phát thải khí nhà kính bằng 1/3 so với các sản phẩm thông thường khác”, bà Phương Trang chia sẻ.
Tương tự, tại Công ty Insee Việt Nam cũng đã thiết lập tham vọng phát triển bền vững từ năm 2020. Theo đó, việc giảm thiểu phát thải khí CO2 là một trong những mục tiêu chính trong những mục tiêu phát triển bền vững của Insee Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Trốn – Trưởng phòng Quản lý môi trường, Insee Việt Nam, ngành sản xuất xi măng chủ yếu là thải ra khí CO2. Những dự án mà Insee Việt Nam đang thực hiện sử dụng nhiều hơn những nguyên liệu có thể thay thế cho đá vôi để sản xuất clinker; tiếp đó sẽ sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế khác từ các sản phẩm của các ngành công nghiệp khác để sản xuất xi măng.
“Trong công nghệ sản xuất, chúng tôi đã đầu tư dây truyền sản xuất hiện đại để tiết kiệm điện hiệu quả nhất, giảm thiểu việc thất thoát năng lượng trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu để có thể sử dụng thêm năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn tìm kiếm những cơ hội mới để có thể sử dụng nhiều hơn nữa các nguồn sản phẩm phụ từ các ngành khác để giúp đỡ cho việc tạo ra những sản phẩm xi măng có hàm lượng các-bon thấp nhất có thể”, bà Nguyễn Thị Trốn chia sẻ.
Và những giải pháp cụ thể
Về những giải pháp cụ thể, bà Phương Trang cho biết, Daikin Việt Nam đã xây dựng 5 dự án cụ thể cho chương trình giảm phát thải khí nhà kính. Thứ nhất, tiếp thục chuyển dịch, giới thiệu, khuyến khích người dùng chuyển từ sử dụng các dòng máy không biến tần sang các dòng máy biến tần có hiệu suất cao hơn (5 sao);
Thứ hai, tiếp tục giáo dục hành vi của người tiêu dùng nhằm tránh lãng phí trong quá trình vận hành; Thứ ba, chăm sóc cả vòng đời của sản phẩm, không chỉ vận hành tối ưu, mà cả việc thu hồi gas cũng như kiểm soát chất lạnh nằm trong thiết bị;
Thứ tư, phối hợp với các trường Đại học hoặc các doanh nghiệp để nghiên cứu tái chế mô chất lạnh R32; Thứ`năm, cùng với Viện tiêu chuẩn và các Bộ, ngành hoàn chỉnh khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành điều hòa không khí.
Tuy nhiên, bà Phương trang cho rằng, trong quá trình thực hiện, Daikin cũng đã gặp phải không ít trở ngại. Theo đó, cơ chế khuyến khích tài chính của Việt Nam chưa tạo được động lực cho người dùng chấp nhận rủi ro để đầu tư. Hơn nữa, khung hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh đối với hạn ngạch cụ thể cho từng đối tượng.
Từ đó, bà Phương Trang kiến nghị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm có hiệu suất tiết kiệm điện cao. Đồng thời, xây dựng chương trình quốc gia khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm phát thải thấp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Ban Thư ký hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, thuộc VCCI, từ năm 2016, VCCI đã có bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững. Bộ chỉ số này được Chính phủ cho phép và VCCI kết hợp với Bộ TNMT, Bộ LĐTB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đánh giá xếp loại doanh nghiệp phát triển bền vững hàng năm.
Ông Hải cho biết, bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững có khoảng 30% các chỉ số liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là công cụ hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề thực hiện các hành động giảm và kiểm soát tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Hiện chúng tôi đang hình thành lên cơ chế hợp tác công tư với một số tập đoàn lớn, nhằm phổ biến các kiến thức pháp luật về biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp; xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Cần những biện pháp mạnh mẽ để cắt giảm phát thải khí nhà kính
10:50, 30/06/2022
Tập đoàn JT nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (GHG)
07:55, 23/02/2022
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Làm gì để thực hiện cam kết phát thải khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050?
15:19, 26/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng Hệ thống đo đạc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
18:02, 25/12/2020
VCCI: Bỏ quy định doanh nghiệp xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
13:20, 15/01/2018