Theo ông Nguyễn Văn Vy, để đạt được cam kết của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2050 Việt Nam không còn khí nhà kính, cần tăng hấp thụ và giảm phát thải CO2.
>>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
Ngày 26/11, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam”.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tich Hiệp hội Năng lượng tái tạo đã có những chia sẻ về định hướng, ổn định về chính sách để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ "0 Khí nhà kính vào năm 2050".
Theo ông Nguyễn Văn Vy, ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, đã phát triển với tốc độ chưa từng và vượt cả mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Vy, để đạt được cam kết của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2050 Việt Nam không còn khí nhà kính, cần nhìn vào thực trạng phát thải khí CO2 hiện nay. Theo đó nguồn phát thải khí CO2 đến từ 4 khu vực chính: chất thải, nông nghiệp, công nghiệp và ngành năng lượng, các nguồn này phát thải khoảng 300 triệu tấn CO2/năm. Như vậy, để đạt mục tiêu trung hòa khí nhà kinh cần tăng hấp thụ và giảm phát thải. Hiện mức hấp thụ cao nhất của Việt Nam vào khoảng 100 - 150 tấn khi kết hợp sản xuất nông lâm nghiệp.
Như vậy, cần có chiến lược giảm phát thải. Theo Phó Chủ tich Hiệp hội Năng lượng tái tạo cần có 4 chiến lược chính:
Thứ nhất, năng lượng sử dụng cuối cùng: Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực nhà ở, phương tiện giao thông và các mục đích sử dụng khác;
Thứ hai, sử dụng lăng lượng hiệu quả và linh hoạt: Không ngừng sử dụng năng lượng hiệu quả và linh hoạt để đảm bảo hiệu quả chi phí trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh;
Thứ ba, cung cấp năng lượng không phát thải: Tạo nguồn cung cấp năng lượng không phát thải và phát thải thấp.
Thứ tư, lưu giữ các-bon: Cân bằng lượng phải thải còn lại bằng cách thúc đẩy hấp thụ CO2.
Về tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy cho biết, Việt Nam có tiềm năng về: Thủy điện, điện gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong đó, về tiềm năng các nguồn điện gió, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió; tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 377 nghìn MW, trong đó điện gió trên đất liền khoảng 217 nghìn MW, trên mặt biển khoảng 160 nghìn MW.
Với tiềm năng các nguồn điện mặt trời, tổng tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 434 nghìn MW; trong đó: điện mặt trời quy mô lớn mặt đất khoảng 309 nghìn MW; trên mặt nước khoảng 77 nghìn MW; trên mái nhà khoảng 48 nghìn MW.
Về tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối: Nguồn năng lượng sinh khối có thể được sử dụng để phát điện với tổng công suất khoảng 8500 MW.
>>Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Dự án năng lượng bị cắt giảm công suất sẽ "kìm chân" dòng đầu tư
Theo ông Vy việc triển khai NLTT một cách nhanh chóng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đầu tiên, triển khai NLTT sẽ giúp giảm chi phí, như với thủy điện, thủy điện của Việt Nam có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện.
Các công nghệ điện mặt trời và gió cũng đã đạt được lợi thế cạnh tranh do tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư; điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu. Dự kiến các nguồn NLTT sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Đối với ô nhiễm và biến đổi khí hậu, các vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra, bao gồm ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng, đã khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế.
Về đạt mục tiêu NLTT, ông Vy cho biết, với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt khoảng 44% vào năm 2050.
Theo ông Vy, hiện nay, khoa học công nghệ đã tiến bộ, giúp giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng sản xuất điện với các nguồn NLTT, giúp giảm thiểu phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết.
Cụ thể, những đổi mới công nghệ, bao gồm tăng hiệu suất mô-đun quang điện mặt trời từ khoảng 16% đối với tấm pin năng lượng mặt trời đa tinh thể, lên khoảng 25 – 27% với tấm pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể và có thể lên đến trên 40% đối với công nghệ kết hợp giữa các tấm pin đơn tinh thể với một lớp phim mỏng; các tuabin gió với độ cao trên 200 mét cũng đã được áp dụng.
Tiến bộ công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện.
Những đổi mới trong số hóa và lưu trữ năng lượng cũng đang mở ra những triển vọng mới. Các công nghệ kỹ thuật số mới, chẳng hạn như lưới điện thông minh, internet vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, đang được áp dụng trong ngành năng lượng, giúp nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo trong các hệ thống phân phối và thế hệ thông minh mới nổi.
Công nghệ lưu trữ năng lượng cũng được phát triển rất nhanh, góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống điện có các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ lệ cao.
Các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống, nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống. Tuy nhiên, khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện.
Ông Nguyễn Văn Vy cũng đề xuất một số giải pháp về chính sách để phát triển NLTT của Việt Nam trong thời gian tới.
Đầu tiên với lưới điện khu vực cân bằng, với tỷ trọng lớn hơn của NLTT thay thế cần phát triển điện mặt trời mái nhà; các doanh nghiệp tự cung cấp bằng nguồn NLTT và mua điện từ nguồn NLTT theo cơ chế DPPA; Phát triển các làng xanh; xã xanh; huyện, tỉnh xanh,...
Thứ hai, cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được.
Thứ ba, cơ chế FIT chỉ áp dụng đối với các dự án quy mô nhỏ; các dự án vừa và lớn thực hiện cơ chế đàm phán trực tiếp giữa EVN và nhà đầu tư;
Thứ tư, thực hiện cơ chế thanh toán bù trừ cho các khách hàng tự cung cấp NLTT.
Thứ năm, kết hợp phát triển các dự án NLTT với sản xuất nông nghiệp. Không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư các dự án NLTT thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án hoặc góp đất theo hình thức Công ty CP.
Thứ sáu, ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn dụng các công nghệ NLTT.
Có thể bạn quan tâm
14:44, 26/11/2021
19:07, 25/11/2021
04:00, 25/11/2021
11:00, 25/11/2021