Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA
Chuyên gia của Mirae Asset cho rằng, mặc dù triển vọng kinh tế chung nhiều khả năng gặp khó, nhưng ngành dệt may trong năm 2023 vẫn có sự hỗ trợ tích cực ở một số khía cạnh, trong đó, có các FTA.
>>>“Ngược dòng” khó khăn của ngành dệt may, TCM lãi đậm
Theo bà Bùi Ngọc Châu, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2022 tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh các thị trường chính dần trở về cuộc sống bình thường sau đại dịch. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2022 ước đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ lực như Mỹ tăng 8,1%, EU tăng 31,2%, Nhật Bản tăng 25%, Hàn Quốc tăng 13,7%. Đặc biệt, các thị trường được hỗ trợ bởi EVFTA và CPTPP là EU tăng 31,2% và Canada tăng 44% ghi nhận tăng trưởng cao. Thị trường Nhật Bản cũng tăng mạnh sau nhiều năm đi ngang hoặc giảm.
Cùng với đó, thị phần hàng thời trang Việt Nam tại các thị trường chính cũng mở rộng tích cực. Cụ thể, thị phần hàng thời trang Việt Nam tại thị trường Mỹ và Nhật Bản lần lượt tăng lên mức 18,3% và 15,6% (từ 17,6% và 14,1% năm 2021). Trong khi đó, tại thị trường Hàn Quốc, thị phần hàng Việt Nam giảm nhẹ từ 31,8% năm 2021 về mức 31,1%.
“Hoạt động sản xuất mảng may mặc đã có một năm phục hồi khá tốt. Chỉ số IIP mảng may mặc duy trì tăng trưởng trong quý III/2022. Hệ số sử dụng lao động cũng thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021. Tuy nhiên, các tháng cuối năm đã xuất hiện tình trạng thiếu đơn hàng và suy giảm sản xuất”, bà Bùi Ngọc Châu cho biết.
Theo chuyên gia này, hầu hết các doanh nghiệp may mặc niêm yết đều thể hiện doanh thu tăng trưởng tốt trong năm 2022. Cụ thể, TNG tăng 24,4%, MSH tăng 16,3%, VGT tăng 14,7%, TCM tăng 22,7%, HTG tăng 33,1%, EVE tăng 17,9%. Trong đó, một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh như TCM tăng 95,7%, HTG tăng 33,1% và EVE tăng 54,4%.
Bà Châu nhận định, nhu cầu dự kiến suy yếu trong năm 2023, do lãi suất cao và lạm phát tạo áp lực lên nhu cầu tiêu thụ. Theo chuyên gia phân tích này, nhu cầu yếu đi do lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đầu năm 2023. Kết hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và mức nền cao của tháng 1/2022, xuất khẩu sợi và hàng dệt may ghi nhận tháng sụt giảm mạnh, lần lượt giảm 47,8% và 30,7% so với cùng kỳ, với giá trị ước đạt 247 triệu USD và 2,5 tỷ USD.
“Hoạt động sản xuất cho tín hiệu suy giảm mạnh khi IIP mảng may mặc giảm 21% so với cùng kỳ trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất từ khi COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Đây là tháng thứ 5 sụt giảm liên tiếp của chỉ số này cho thấy nhu cầu đang ở mức thấp”, bà Bùi Ngọc Châu nhận định.
>>>“Xanh hóa” ngành dệt may
Tuy nhiên, chuyên gia của Mirae Asset cho rằng, mặc dù triển vọng kinh tế chung nhiều khả năng gặp khó, nhưng ngành dệt may trong năm 2023 vẫn có sự hỗ trợ tích cực ở một số khía cạnh. Bán lẻ hàng thời trang ở các thị trường chính vẫn tăng trưởng dương cho thấy nhu cầu mua sắm hàng thời trang vẫn được duy trì mặc dù triển vọng kinh tế kém khả quan.
Chuỗi giá trị ngành dệt may thế giới bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế thấp khiến chi phí đầu vào của ngành dệt may như giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải biển giảm mạnh. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh lạm phát tăng cao và giá bán đầu ra gặp áp lực vì lực cầu giảm.
Áp lực từ việc mở cửa ồ ạt sau đại dịch giảm bớt giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng sẽ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu ngành dệt may, giúp các doanh nghiệp chủ động về mua nguyên vật liệu và tính toán thời gian giao hàng, giảm thiểu các chi phí vận chuyển. Tỷ giá USD/VND dần ổn định giúp doanh nghiệp hạn chế tác động tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của EVFTA, trong đó các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được hưởng thuế suất 0%. Điều này giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường này, khi các đối thủ chính như Bangladesh, Pakistan đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Bên cạnh EU, các thị trường thuộc khuôn khổ CPTPP như Canada tăng 44%, Mexico tăng 68% đã ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2022, cho thấy khả năng CPTPP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định.
“Chúng tôi dự phóng tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam trong năm 2023 có thể giao động trong phạm vi -4% đến +2% trong khi xuất khẩu sợi nhiều khả năng sẽ đi ngang so với năm 2022”, bà Bùi Ngọc Châu nhận định.
Có thể bạn quan tâm
“Ngược dòng” khó khăn của ngành dệt may, TCM lãi đậm
04:50, 06/02/2023
Hải Dương: Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may
00:09, 05/02/2023
“Xanh hóa” ngành dệt may
02:00, 31/01/2023
Năm 2023 ngành dệt may cần “xanh hóa” để dành lợi thế xuất khẩu
04:00, 13/01/2023
Ngành dệt may sẽ chờ phục hồi trong năm 2024?
00:01, 17/12/2022