Mặc dù bị ảnh hưởng của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng rõ nét trong năm 2023 khi tập trung thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
>>Nâng cao khả năng quản trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời - TGĐ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Thời, kết quả xuất khẩu năm 2022 của ngành dệt may là khả quan trong bối cảnh thị trường thế giới biến động mạnh, lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu… Nhưng sang năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam ngày càng tiệm cận gần hơn đến với những thay đổi theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới.
- Thưa ông, với ảnh hưởng của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức. Bước sang năm 2023, tình hình liệu có khả quan hơn không, thưa ông?
Năm 2023 doanh nghiệp xuất khấu Việt Nam không tránh khỏi bởi diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tại Mỹ và EU đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%, điều này gián tiếp tác động đến khả năng tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như sản phẩm may mặc. Để đáp ứng các điều kiện hội nhập, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất xanh và bền vững để giữ đơn hàng.
Ở trong nước Chính phủ và các Cơ quan quản lý cũng rất quan tâm đến sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Do đó tôi cho rằng, dù còn khó khăn, nhưng những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2023 vẫn rất rõ nét. Dự báo, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam ước đạt 45-47 tỷ USD, nhờ duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có FTA. Đáng chú ý, năm 2023 một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam tạo nền tảng kích cầu cho thị trường.
Ngoài ra, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn... nên đây sẽ là giải pháp để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, ổn định tại Việt Nam từ năm 2023.
>>TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 3) Mở lối từ FTA
- Để phủ kín đơn hàng trong năm 2023 và đưa ra mục tiêu phát triển bền vững từ các năm tiếp theo, TNG đã tập trung xây dựng vào những mục tiêu nào, thưa ông?
Các thị trường lớn đã có những yêu cầu ngày càng khắt khe với doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt về yêu cầu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất kinh doanh có đạo đức, trách nhiệm xã hội. Để phát triển đơn hàng và dành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu "Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường" là một trong những giá trị cốt lõi mà TNG luôn đề ra để thực hiện. Những hoạt động đó bao gồm;
Một là, TNG không ngừng nghiên cứu, tiếp cận khoa học hiện đại, ứng dụng công nghệ để mang đến những sản phẩm xanh có ích cho cộng đồng. Hiện TNG đang có những sản phẩm Bông/ túi PE đã làm từ nguyên liệu tái chế (Recycle). Sản phẩm bông sử dụng nguyên liệu là xơ tái chế với tỷ lệ 80-90%. Đặc biệt chi nhánh bông mới phát triển thành công sản phẩm làm từ nguyên liệu là vải vụn. Công ty giảm thiểu lượng phát thải CO2 mỗi năm, bằng cách không sử dụng lò hơi đốt than mà thay thế bằng lò điện. Lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tân tiến của công trình xanh, vừa đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và formaldehyde thấp để đảm bảo sức khỏe người lao động.
Hai là, sử dụng nguyên vật liệu tái chế, hạn chế lượng khí thải, nước xả thải từ các hoạt động kinh doanh. TNG đã cắt giảm 10% lượng than đá sử dụng cho quá trình sản xuất dù sản lượng chúng tôi vẫn tăng. Ước chừng khoảng 50% lượng điện sử dụng của doanh nghiệp là sử dụng nguồn điện tái tạo và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các nguyên liệu không sử dụng được lại được thu gom làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác tạo nên vòng đời sản phẩm mới và giảm thiểu chất thải nhựa bằng việc hạn chế, không sử dụng chai đựng bằng nhựa dùng một lần, thay thế bằng các vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần như chai, bình kim loại, thủy tinh.
Ba là, lan tỏa tinh thần “xanh” qua nhiều dự án có ý nghĩa, cụ thể năm 2019-2020, TNG xây dựng dự án nhà máy xanh - Nhà máy Võ Nhai theo tiêu chuẩn Leed, Nhà máy Phụ trợ TNG Sông Công đạt chứng nhận công trình xanh LOTUS với các tiêu chí: Tiết kiệm năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng hệ sinh thái xanh; quản lý chất thải và ô nhiễm; trang bị tiện nghi và đảm bảo sức khỏe cho người lao động; quản lý môi trường… Công ty đang có chung cư TNG Village là mô hình điển hình của tỉnh về việc hạn chế rác thải.
Để phủ kín đơn hàng trong năm 2023 và đưa ra mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh từ các năm tiếp theo, ngoài mục tiêu duy trì khách hàng chiến lược, khai thác, phát triển các khách hàng tiềm năng, TNG còn chú trọng đầu tư cải tiến công nghệ. Hiện đại hóa máy móc thiết bị, số hóa nhằm mục tiêu tăng năng suất và tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn lao động ổn định và nâng cao tay nghề công nhân.
Bên cạnh đó, TNG tiếp tục duy trì mục tiêu phát triển nhà máy theo xu hướng xanh, phát triển bền vững, tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh phục vụ cho chính sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp của mình như, Bông tái chế (Từ chai nhựa, từ vải vụn và từ cây ngô) đưa ra các sản phẩm độc quyền như bông downlight, bông Sorona, Bông recycle. Cam kết giảm thiểu khí thải CO2 bằng việc bỏ lò hơi than, sử dụng năng lượng sạch, ký cam kết dùng năng lượng sạch đến năm 2025 là 100% theo yêu cầu hội nhập và xu thế mà các khách hàng lớn đang hướng tới.
- Vậy ông có đề xuất như thế nào để giúp doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vượt qua khó khăn không, thưa ông?
Để giúp các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu nói chung và TNG nói riêng vượt qua khó khăn trong năm 2023 nhiều biến động, tôi đề xuất; Chính phủ và các Bộ, ngành cần cân nhắc việc duy trì chính sách thuế VAT 8% cho doanh nghiệp; áp dụng lãi suất hợp lý để hỗ trợ lĩnh vực ngành hàng có tác động xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại lớn, giải quyết việc làm lớn như dệt may, da giày giữ ổn định lao động để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2023.
Đối với doanh nghiệp xuât khẩu, để gia tăng đơn hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện xanh hóa trong sản xuất, kinh doanh có đạo đức gắn kết với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng
03:21, 05/01/2023
Phát triển dệt may xuất khẩu bền vững
11:30, 03/01/2023
Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng
02:00, 31/12/2022
“Xanh hóa” ngành dệt may
18:29, 29/12/2022
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 4) "Xanh hoá" sản xuất
04:30, 25/12/2022
Nâng cao khả năng quản trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
04:00, 01/01/2023