Ngành gỗ và sản phẩm gỗ: Khó khăn vẫn ở trước mắt
Triển vọng ngành gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 vẫn kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU.
>>Ngành gỗ tìm lợi thế từ chuyển đổi số
Khởi đầu khó khăn
Sau khi giảm 6,8% so với cùng kỳ trong quý 4/2022 do đơn hàng suy yếu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nối dài xu hướng lao dốc khi giảm 17% so với cùng kỳ trong 2 tháng 2023. Xuất khẩu dệt may, giày dép và các sản phẩm liên quan đều gặp khó khăn (giảm 17,1% so với cùng kỳ) do sức mua của hai thị trường Mỹ và EU suy yếu, buộc các nhà bán lẻ phải giảm hàng tồn kho. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8% so với cùng kỳ do chịu áp lực từ việc thị trường nhà ở của Mỹ suy yếu.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những tín hiệu tích cực từ cả thị trường trong nước và thế giới. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam, phục hồi từ mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm trong tháng 2/2023. Ngoài ra, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp nhờ nhu cầu từ thị trường nước ngoài được cải thiện. Cụ thể, tổng số đơn hàng xuất khẩu trong tháng 2/2023 tăng 34,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ S&P Global cho thấy trong tháng 2/2023 chỉ số PMI của Mỹ đã tăng lên mức 47,8 từ mức 46,9 hồi tháng 1/2023, cao hơn dự báo là 47,1. Mặc dù tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt trong hai tháng đầu năm 2023 nhưng vẫn sẽ giữ ở mức cao trong năm 2023. Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2023 sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng với các chỉ số đang có dấu hiệu phục hồi, chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu sẽ bớt khó khăn hơn trong quý 2/2023 và phục hồi dần trong quý 3/2023.
Thách thức vẫn còn khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Chỉ số PMI tại Trung Quốc đã tăng lên 52,6% trong tháng 2/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động sản xuất tăng trở lại kể từ tháng 7 năm ngoái và là mức cao nhất trong 8 tháng sau khi thay đổi chính sách COVID. Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 là gỗ nguyên liệu (mã HS44) với hơn 20 mặt hàng, chủ yếu là dăm gỗ. Hiện dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa niêm yết. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam, chiếm 37% thị phần vào năm 2022. Do đó, với việc mở cửa trở lại một số mặt hàng xuất khẩu ròng của Trung Quốc có thể giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp gỗ như Công ty Cổ phần Phú Tài (PTB), Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) và Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT).
>>Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
Mặt khác, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Mỹ ngang nhau với mức 31%. Chúng tôi cho rằng các công ty gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như Công ty Cổ phần Phú Tài (PTB), Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (NHT), Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) sẽ gặp khó khăn trong nửa sau của năm 2023.
Nhu cầu sẽ không phục hồi cho đến năm 2024
Năm 2022, khoảng 90% giá trị gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu, 54% từ Mỹ và Trung Quốc là 13,4%. Chúng tôi nhận thấy triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trong xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB, GDT, SAV sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó việc biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6-1 điểm % trong 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.
Theo Hiệp hội các nhà xây dựng nhà quốc gia, doanh số bán nhà cho một hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 744.000 căn (giảm 25,5% so với cùng kỳ) trong 2023 trước khi tăng trở lại 925.000 căn vào năm 2024. Trong khi Forest Economic Advisors dự phóng nhu cầu về gỗ xẻ mềm ở Bắc Mỹ sẽ giảm 8,3 % vào năm 2023, sau khi giảm 1,6% trong 2022 do thị trường tiêu dùng suy yếu và khả năng xảy ra suy thoái vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn với dự báo tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2024 ở mức 62,5 tỷ feet (BBF).
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gỗ “khốn đốn” vì “nguồn gốc”
17:37, 11/11/2022
Ngành gỗ tìm lợi thế từ chuyển đổi số
03:00, 29/10/2022
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD
00:30, 19/10/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
11:00, 25/08/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
03:30, 25/08/2022