Thông tin trên được Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Quốc Khanh nêu tại Lễ Khai mạc Triển lãm VietnamWood 2022.
>>>Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Ông đánh giá, điều này chắc chắn sẽ mang đến niềm tin cho sự kỳ vọng của ngành. Đồng thời ông cũng cho rằng, có được thành quả đó chính là nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và nội thất.
Theo Chủ tịch HAWA, năm 2022 có thể coi là năm bản lề trong bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sau đại dịch COVID-19. Dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại trong tháng 9/2022, nhưng do lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến tác động tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ nói riêng và các mặt hàng khác của Việt Nam nói chung trong những tháng cuối năm 2022.
Ông Khanh cho biết, ngành chế biến gỗ hiện nay đang nổi lên hai vấn đề là nguyên liệu và công nghệ. Đối với công nghệ, một số doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại, với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, nhưng các thiết bị sử dụng đều có năm sản xuất từ năm 2010, khá cũ so với hiện nay.
“Với sự nên ngôi của xu hướng tự động hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, nhằm giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ máy móc. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng định hướng sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa, bằng việc đầu tư các loại máy móc hiện đại hơn”, Chủ tịch HAWA Nguyễn Quốc Khanh đánh giá.
Về nguyên liệu, Chủ tịch HAWA cho rằng, việc cung ứng nguyên liệu khai thác trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu của chế biến. Do đó, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Với tốc độ phát triển của ngành gỗ trong thời gian tới cần thiết phải có nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào, đa dạng về chủng loại để phục vụ cho mọi phân khúc thị trường để giúp doanh nghiệp có quyết định đầu tư đúng đắn.
“VietnamWood 2022 đã trở thành sự kiện công nghệ mang tính đại diện cho ngành với quy mô quốc gia, đồng thời, mang tính dẫn dắt cho những sáng tạo công nghệ trong sản xuất. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ được cập nhập các giải pháp sản xuất mới, thay đổi tư duy của doanh nghiệp để từ đó giúp các doanh nghiệp ra quyết định đầu tư nâng cao tầm vóc và chất lượng sản phẩm”, Chủ tịch HAWA Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khanh, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, từ mục tiêu ngắn hạn đến dài hạn. Trong đó, các giải pháp về công nghệ sản xuất, nguyên liệu và vật liệu mang tính cốt lõi và thể hiện sinh động nhất trong quá trình thay đổi tư duy sản xuất, giúp quản trị doanh nghiệp. Từ đó, nâng tầm ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Đánh giá về vai trò của triển lãm đối với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, ông Lê Đức Hiếu – Giám đốc Dự án Công ty Vetta cho rằng, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất, cũng như các doanh nghiệp cung cấp thiết bị gần như trong tình trạng ngủ đông, đây sẽ là cơ hội rất lớn, các doanh nghiệp rất kỳ vọng thông qua triển lãm này, sẽ thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế cũng như sẽ có một cơ hội để các đối tác cung cấp thiết bị và các nhà sản xuất có thể ngồi lại với nhau để thực hiện tiếp những dự án mà trước đây đã ấp ủ hoặc đang chuẩn bị triển khai nhưng bị đình trệ vì COVID-19.
Đánh giá về việc chuyển đổi số của các doang nghiệp trong ngành hiện nay, ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đều nhận thức được rằng, việc chuyển đổi số là sống còn. Tuy nhiên, từ góc nhìn cá nhân, ông nhìn nhận việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay vẫn còn chậm.
“Chúng ta đang hướng tới việc tăng năng suất và giảm nhân công. Bởi hiện nay Việt Nam cũng đã bắt đầu thiếu nhân công do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng từ đại dịch. Do đó, nếu trong thời điểm này, chúng ta không tự động hóa và ứng dụng nhiều công nghệ thông tin và phần mềm tiên tiến vào trong sản xuất nhằm tăng năng suất và giảm nhân công thì sẽ không cạnh tranh được với các nước trong khu vực”, ông Hiếu chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
11:00, 25/08/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
03:30, 25/08/2022
“Bức tranh” ảm đạm của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm
02:03, 21/08/2022
Thách thức kép với ngành gỗ
04:00, 04/08/2022
MDF Quảng Trị - “ngôi sao” của ngành gỗ xuất khẩu
07:22, 01/07/2022