“Bức tranh” ảm đạm của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm

THY HẰNG 21/08/2022 02:03

Kinh tế thế giới lạm phát, siết chặt vốn vay của ngân hàng trong nước hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2022.

>>>Thách thức kép với ngành gỗ

Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp” do Nhóm nghiên cứu của các Hội, Hiệp hội ngành gỗ gồm VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và tổ chức Forest Trends vừa công bố cho thấy tình hình sụt giảm đơn hàng diễn ra ở hầu hết thị trường lớn.

Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ngành gỗ lên tới hơn 40%.

Lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ lên tới hơn 42%.

Sụt giảm đơn hàng kéo dài

Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp được khảo sát giảm trung bình 45,4%. Một số doanh nghiệp không còn đơn hàng. 

Tại thị trường EU, các doanh nghiệp đã phản ánh mức giảm trung bình khoảng 44,6%, trong đó một doanh nghiệp có số đơn hàng giảm mạnh từ 80 – 100%. Thị trường Anh cũng chứng kiến mức giảm rất mạnh, trung bình 47,3% với một số doanh nghiệp giảm 100%. Số lượng đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường khác cũng có mức giảm cao, trung bình khoảng 36,3%; một số doanh nghiệp bị giảm đến 80%.

Ngoài các thị trường Hoa Kỳ, Anh, EU, số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường khác như Nhật, Singapore, Australia, Canada, Hàn Quốc, NewZeland, Trung Quốc,… cũng cho biết có diễn biến tương tự tại các thị trường này tuy nhiên, mức độ suy giảm thấp.

Do xuất khẩu gặp nhiều trở ngại trong những tháng đầu năm 2022, lượng hàng tồn kho của đa số các doanh nghiệp được phỏng vấn (khoảng 60%) tăng so với cùng kỳ 2021. Đa số doanh nghiệp phản ánh lượng hàng tồn kho tăng với mức trung bình trên 42%.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nói: “Các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào”.

Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ chốt đối mặt với rất nhiều sức ép. 60% doanh nghiệp khảo sát đặc biệt nhắc tới sức ép về vốn vay ngân hàng. Khoảng 70% số doanh nghiệp được phỏng vấn nêu ra các áp lực về chi phí cho người lao động và nguyên liệu đầu vào.

Ông Võ Quang Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai chia sẻ thời điểm này các doanh nghiệp ngành gỗ tại Đồng Nai nói riêng cũng như các doanh nghiệp chế biến gỗ trên cả nước đang phải đối diện với các khó khăn phải nói là chưa từng có, tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng sản xuất kéo theo giảm lao động, tình hình tài chính khó khăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất ngành gỗ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp phải các khó khăn như khách hàng cắt giảm đơn hàng khi giá cước vận tải tăng cao và xung đột Nga - Ukraina khiến đầu ra giảm; khách hàng hủy ngang các đơn hàng đã đặt, cũng như các đơn hàng đang sản xuất dở dang; chi phí thuê đất phải trả; dòng tiền có thể bị gián đoạn.

>>>Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

Cần tiếp sức trong những tháng cuối năm

Đáng lưu ý, trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như vậy, tình trạng đơn hàng sụt giảm được dự báo tiếp tục kéo dài với những tháng cuối năm. Cụ thể, trên 70% số doanh nghiệp được khảo sát, cho biết dự kiến số lượng đơn hàng của họ sẽ giảm so với năm 2021. 

Các doanh nghiệp hiện đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào

Các doanh nghiệp hiện đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.

Các doanh nghiệp đều dự kiến tình hình xuất khẩu sẽ chưa cải thiện nhiều và số lượng đơn hàng sang tất cả các thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm 2022. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Anh được dự báo đều trên 40%, trong khi tình hình xuất khẩu tại các thị trường khác có mức giảm thấp hơn.

Do đó, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam đề xuất sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói cứu trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn và sẽ đặt hàng trở lại.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng ngân hàng nên giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này. Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng với các thị trường quốc tế, việc mở rộng thị trường và đa dạng mặt hàng xuất khẩu là giải pháp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sản xuất một cách bài bản, căn cơ hơn giúp giảm giá thành, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Song song với đó là nâng cao chất lượng, tay nghề nhân công, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để tăng tỷ lệ tiếp cận đồ gỗ Việt Nam của các khách hàng thế giới mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh thu xuất khẩu gỗ giảm gần 40%

    03:30, 29/07/2022

  • Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát

    07:11, 15/07/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

    20:13, 10/03/2022

  • Cước vận tải biển “cản đường” xuất khẩu gỗ

    17:15, 06/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bức tranh” ảm đạm của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO