Khi làn sóng đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội này để phát triển.
Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam.
Hiện nay tình hình kinh tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn còn đang rất khó khăn. Kinh tế thế giới cũng có thể diễn ra theo chiều hướng khó lường. Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ mặt hàng nào, quốc gia nào cũng có thể sẽ phải hứng chịu chính sách thuế quan của Mỹ. Khi thuế thay đổi có thể sẽ tạo ra những bất lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng có thể tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp, nếu như các doanh nghiệp Việt tận dụng tốt các Hiệp định thương mại và thuế quan. Và khi đánh thuế vào một nước nào đó, xu hướng các doanh nghiệp sẽ dồn vào các nước chưa bị đánh thuế cũng là điều tất yếu.
Đối với thị trường Mỹ, khi bị áp thuế quan thì độ rủi ro sẽ tăng lên. Do đó, chúng ta cần phải tìm kiếm thị trường khác để san sẻ bớt rủi ro, đồng thời, giúp chúng ta tăng thị phần xuất khẩu ra nước ngoài, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, trong đó, thị trường Dubai cũng là một thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành gỗ nội thất của Việt Nam.
Tôi cho rằng, việc chính sách của các nước trong đó có Mỹ thay đổi, tuy có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam nhưng cũng không nhiều. Nếu như các doanh nghiệp của Việt Nam có các chính sách tốt, có nhiều bệ đỡ hơn thì sẽ có nhiều cơ hội để vượt qua khó khăn và các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần phải nhận biết được những khó khăn, đồng thời tìm ra “cơ” trong “nguy” để có thể tận dụng được tối đa các cơ hội.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan từ Mỹ, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá khách quan rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam đều rất tốt, đồng thời tuân thủ theo Luật đầu tư mà Chính phủ Việt Nam đã đưa ra. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi một số trường hợp liên kết không được lành mạnh, khi núp bóng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa sau đó xuất khẩu ra nước khác gây ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam, nhưng những trường hợp này cũng không nhiều và chỉ mang tính cá biệt.
Hơn nữa, chính sách của Nhà nước cũng rất rõ ràng và không ủng hộ vấn đề này. Do đó, khi làn sóng đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng cần phải nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội này. Việc đầu tiên, Chính phủ khuyến khích đó là liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Trung Quốc để cùng nhau sản xuất kinh doanh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ số vào doanh nghiệp mình để cùng nhau phát triển.
Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ để thực hiện khâu hoàn thiện sản phẩm tại Mỹ. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng nhà xưởng, vừa để bảo hành sản phẩm của doanh nghiệp bán ra, lại vừa có thể phát triển các thương hiệu của Việt Nam sang thị trường mục tiêu. Tôi tin rằng, với thực lực của mình, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được trong bối cảnh hiện nay. Có như vậy, chúng ta mới có thể vượt qua được các rào cản của các nước nhập khẩu đưa ra.