Sự phục hồi của thị trường Mỹ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy đà tăng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2025.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) trong năm 2024 đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.
Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành lâm sản đạt khoảng 17,3 tỷ USD.
Về thị trường, Mỹ vẫn chiếm vị trí số 1 cho xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2024, giá trị xuất khẩu G&SPG của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, triển vọng xuất khẩu G&SPG trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Mỹ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.
Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Đánh giá về mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2025, ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty S Furniture cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Bởi hiện nay, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp cũng đã cho thấy có sự khả quan hơn nhiều so với năm 2024. Riêng đối với S Furniture, ông Vạn kỳ vọng, năm 2025 sẽ tăng trưởng từ 25-30%.
Theo ông Vạn, sự chuẩn bị tốt của các doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố giúp ngành gỗ hoàn thành mục tiêu năm 2025. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành đang tập trung rất mạnh vào công tác chuyển đổi số, ứng dụng số vào trong sản xuất kinh doanh, giúp tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Việc ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại không những giúp giảm chi phí về lao động, mà còn làm tăng chất lượng của sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay cũng đã rất quan tâm đến vấn đề về môi trường, đặc biệt là môi trường xanh và chuyển đổi xanh. Bởi chuyển đổi xanh hiện nay là yêu cầu bắt buộc từ khách hàng, của thị trường thế giới, nếu không chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro.
Cũng theo ông Vạn, hiện nay lượng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam cũng rất nhiều, bởi cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đã tốt lên nhiều so với trước đây; ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành gỗ cũng đã phát triển; người lao động khéo tay, sản xuất ra những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt…đây là những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ, ông Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, thị trường Mỹ là một trong những thị trường tiềm năng và rất quan trọng đối với ngành gỗ của Việt Nam. Hiện nay, thị trường Mỹ đang rất ổn định, hơn nữa, Mỹ vừa xảy ra cháy rừng rất lớn, rất nhiều dự án lớn bị mất đi, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất gỗ của Việt Nam, khi nhu cầu tái thiết lại nhà cửa, dự án sẽ rất lớn trong những năm sắp tới.
Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu Mỹ, EU, UK... ông Vạn cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải đạt được các chứng chỉ như BSCI, SMETA, FSC, COC, đây là những chứng chỉ về quy định, tiêu chuẩn khi xuất khẩu hàng sang những thị trường khó tính nếu không đạt được các tiêu chuẩn này thì sẽ mất cơ hội xuất hàng vào thị trường rất nhiều tiềm năng này.
Bên cạnh đó, việc điều tra chống bán phá giá của Mỹ có thể khiến các doanh nghiệp gặp rủi ro, do đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh đào tạo nhân viên, người lao động để nắm bắt kịp thời các quy chuẩn, quy định của Mỹ, để tránh việc bị điều tra chống bán phá giá và bị tăng thuế lên cao.
“Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng không chỉ đối với thị trường Mỹ, mà còn đối với nhiều thị trường khó tính khác như, Nhật Bản, châu Âu, là những yếu tố liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, gắn trách nhiệm xã hội vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu làm tốt, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế và cơ hội nhận được đơn hàng lớn cũng cao hơn”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ thêm.
Ông Võ Đức Anh, chuyên viên phân tích của MBS Research cũng đánh giá, thị trường Mỹ tiếp tục là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu G&SPG trong năm 2025. Theo ông Anh, với chính sách nới lỏng tiền tệ của FED sẽ kéo dài sang năm 2025, dự kiến thị trường nhà ở tại Mỹ sẽ phục hồi, qua đó giúp số giấy phép xây dựng sẽ cải thiện 8,6% trở lại mức 1,550 triệu trong nửa đầu năm 2025.
"Do đây là chỉ báo nhanh và sẽ mất 4-5 tháng để phản ánh vào số nhà mới, vì vậy số nhà mới bán được sẽ cải thiện mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2025, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ G&SPG", ông Võ Đức Anh nhận định.
Ông cũng cho rằng, chính sách thuế của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới tuy tạo ra thách thức trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu G&SPG trong trung dài hạn.
Chuyên gia của MBS Research đánh giá việc chính sách thuế mới về trung và dài hạn sẽ tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu G&SPG và giúp Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ. Sau khi áp dụng mức thuế mới, giá các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc sẽ cao hơn từ đó khiến người dân Mỹ chuyển hướng sang các mặt hàng thay thế có giá cả phải chăng hơn.
"Về trung hạn và dài hạn, chúng tôi kỳ vọng chính sách thuế mới tại Mỹ cùng xu hướng dịch chuyển của người tiêu dùng Mỹ sẽ tác động tích cực tới nhu cầu tiêu thụ G&SPG của Việt Nam, giúp sản lượng xuất khẩu G&SPG tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025", ông Võ Đức Anh nhận định.