Theo nhiều chuyên gia, giải pháp bền vững nhất để nền kinh tế thích ứng lâu dài là xây dựng, quản trị và minh bạch chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế.
Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm cho thấy những con số khả quan. Theo số liệu mới công bố từ Cục Thống kê, GDP quý 1/2025 tăng 6,93% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất của quý 1 trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025.
Trong đó, xuất khẩu nhóm ngành công nghiệp chế biến tăng 11,2%; nông - lâm sản tăng 11%; thủy sản tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét về tổng quan quý 1 vẫn chưa hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP để hoàn thành nhiệm vụ cả năm đạt 8%.
Trước những thách thức rất lớn, cả 3 kịch bản cấp độ tác động từ thuế quan thương mại “tiêu cực”, “trung lập” và “lạc quan” do TPS Research dự báo đều bất lợi với triển vọng kinh tế. Bởi vì môi trường quốc tế thời kỳ “hậu thuế quan” không còn lý tưởng như trước.
Điều đó buộc chúng ta phải tái cấu trúc guống máy kinh tế, một nhiệm vụ chiến lược rất lớn, được bắt đầu từ các ngành, nhóm ngành, mặt hàng, từng doanh nghiệp và từng thị trường xuất khẩu.
Một câu hỏi nóng bỏng lúc này: Liệu chúng ta có thể rời bỏ thị trường Hoa Kỳ hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng: Không thể ròi bỏ hoàn toàn! Vì đây là thị trường có ý nghĩa khẳng định chất lượng và thương hiệu hàng hóa trên quy mô lớn.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng các mặt hàng để xâm nhập vào các thị trường khác còn nhiều tiềm năng, như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tin, Ấn Độ, ASEAN…
Lấy ví dụ với ngành gỗ, đây là lĩnh vực mà Việt Nam tự chủ phần lớn chuỗi cung ứng. Hệ thống doanh nghiệp chế biến gỗ MDF thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) hầu hết sử dụng nguyên liệu rừng trồng trong nước. Tính đến hết tháng 10/2024, cả nước hiện có khoảng gần 600 nghìn ha đạt chứng chỉ rừng bền vững, trong đó chứng chỉ FSC khoảng 410 nghìn ha và chứng chỉ PEFC/VFCS khoảng 183 nghìn ha.
Năm nay xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu 18 tỷ USD, một nửa đến Hoa Kỳ, như vậy phần còn lại là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông. Tình hình không quá bi đát, nếu các nhà đàm phán Việt Nam chứng minh được chuỗi cung ứng minh bạch của ngành gỗ Việt Nam với nhà chức trách Hoa Kỳ.
Một khái niệm mới là “quản trị chuỗi cung ứng” bằng việc triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, cho phép giám sát toàn diện từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ. Thay cho việc xác minh từng lô gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu thì Việt Nam chuyển sang xác minh sự tuân thủ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Đối với ngành hàng điện tử nhiệm vụ khó nhằn hơn, do tỷ lệ nội địa hóa hiện nay mới đạt 5-10%, đấy là lý do khiến Hoa Kỳ cho rằng “hàng Trung Quốc đội lốt xuất khẩu để tránh thuế”. Điều đó đòi hỏi Việt Nam giảm lượng hàng “made in Vietnam” nhưng nguyên liệu từ nước thứ ba.
Giải pháp căn cơ, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology hiến kế: “để xây dựng được đội ngũ nghiên cứu phát triển đủ mạnh cả về năng lực và quy mô, tạo ra được các phát minh, sáng chế góp phần phát triển công nghiệp điện tử có giá trị gia tăng cao, cần phải có sự đầu tư thích đáng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, từ các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, cho đến các doanh nghiệp kỹ thuật, công nghệ có liên quan”.