Thủ tướng khẳng định tất cả những biến động cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, cơ hội để vươn lên mạnh mẽ hơn, tự lực tự cường lên và trưởng thành hơn.
Chiều ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng cùng với tiếp tục đàm phán với phía Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác thương mại bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa với nhiều thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể; khai thác hiệu quả hơn nữa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Cùng với đó là việc khuyến khích và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, phân phối, tiêu thụ hiệu quả hơn hàng Việt Nam trên sân nhà.
Cơ quan đại diện Việt Nam tại nhiều nước cho biết các nước có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường và vượt qua khó khăn, thách thức khi thị trường có biến động.
Sau khi nghe các ý kiến, quán triệt nội dung Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 59 và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới thể hiện tinh thần đột phá, hội nhập quốc tế để vươn lên.
Nghị quyết và bài viết cũng khẳng định đường lối xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; xác định hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; trong hội nhập quốc tế phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; hội nhập để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên.
Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước đang triển khai “bộ tứ chiến lược” cùng với Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng.
Để thực hiện “bộ tứ chiến lược” này, Chính phủ đã và đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là đột phá về hoàn thiện thể chế, pháp luật; đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá về cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh.”
Thủ tướng cho rằng, những phản ứng và giải pháp ứng phó của các nước đối với chính sách thuế mới, đặc biệt là thuế đối ứng, đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế. Tất cả các nước đều đang tích cực nghiên cứu để xây dựng các phương án ứng phó nhằm hạn chế tác động đối với tăng trưởng. Hầu hết các nước cũng thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, vừa tích cực xúc tiến đàm phán song phương nhằm hạn chế tối đa tác động từ việc Hoa Kỳ tăng thuế.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ liên quan, trong đó, tập trung giữ đà tăng trưởng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Nghiên cứu, xây dựng các biện pháp ứng phó với mọi kịch bản áp thuế có thể xảy ra. Tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế....
Trong các nhóm nhiệm vụ này, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhất là về các xu thế đang nổi lên, kinh nghiệm của sở tại về các vấn đề liên quan; kịp thời báo cáo tình hình, kết quả và đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả: "Nền kinh tế của chúng ta vẫn đang là nền kinh tế chuyển đổi. Đất nước ta vẫn là đất nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu nhất là với cú sốc bên ngoài. Vì vậy, tất cả những gì biến động cũng là cơ hội. Mặc dù có những thách thức, khó khăn... nhưng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, cơ hội để chúng ta vươn lên mạnh mẽ hơn, tự lực tự cường lên và trưởng thành hơn".
Thủ tướng đề nghị Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện thời gian tới chủ động thông tin về chiến lược, cách thức, biện pháp ứng phó ngắn hạn và thích ứng dài hạn của các nước với việc Hoa Kỳ tăng thuế. Nghiên cứu, dự báo chiều hướng, tác động của xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ với các đối tác, nhất là các nước lớn và tham mưu chính sách đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm.
Tiếp tục khai thác hiệu quả các FTA đã có và mới ký kết; thúc đẩy ký kết các FTA; Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư; mở cửa thị trường, khai thác tốt các thị trường mới tiềm năng, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng... Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm rất nhanh, tranh thủ tối đa xung lực mới cho hợp tác có được từ các hoạt động đối ngoại.
Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút đầu tư, tài chính cho phát triển, "đón sóng" đầu tư vào các lĩnh vực mới, công nghệ cao, các dự án trọng điểm, chiến lược. Thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế tập trung vào các cực tạo đột phá cho tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong khi Chính phủ đang thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ, đề nghị các các cơ quan đại diện tại Hoa Kỳ phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chủ động nghiên cứu và triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả để giữ vững thị trường này.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất, còn nhiều thị trường quan trọng khác. Do đó, Thủ tướng lưu ý phải khai thác hiệu quả hơn nữa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và tiếp tục đàm phán, ký kết thêm các FTA với các đối tác mới, trong đó có Hoa Kỳ.
Thủ tướng chỉ đạo cùng với xuất khẩu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống khác như đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Nhấn mạnh, phải đảm bảo 3 mục tiêu chiến lược là “ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và an dân; phát triển nhanh, bền vững; cuộc sống nhân dân ngày càng được hạnh phúc, ấm no,” Thủ tướng chỉ rõ “Đảng đã lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ; chỉ bàn làm không bàn lùi.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ, ngành, doanh nghiệp đoàn kết, “coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ”, “nghĩ sâu, làm lớn”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm,” “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thực tế”, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Từ đó tạo đà, tạo lực, tạo thế để đất nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, hướng tới 2 mục tiêu 100 năm, đưa nước ta bước vào thời kỳ vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.