Giải pháp nào cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023?

ĐÌNH ĐẠI 04/04/2023 04:50

Đa dạng hóa mặt hàng, xây dựng giải pháp về thích ứng với phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu, giải pháp về chiến lược nguồn lực, là những giải pháp cho ngành dệt may Việt Nam năm 2023.

>>>Ngành Dệt may: Đón chờ bước ngoặt từ doanh nghiệp sợi

3 giải pháp cho ngành dệt may Việt Nam

Đánh giá về những kết quả của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2022, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2022, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 42,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Ông đánh giá, đây là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam.

Chủ tịch VITAS nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn thách thức.

Chủ tịch VITAS nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn thách thức.

Ông Giang cho rằng, trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đối diện với nhiều vấn đề lớn như sức mua toàn cầu sụt giảm. Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh của năm 2021, nhưng 6 tháng đầu năm 2022 đã có những kết quả tốt cả về doanh thu cũng như hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến quý III/2022, thị trường bắt đầu có sự sụt giảm sức mua, do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách “zezo covid” của Trung Quốc. Sang quý IV/2022 bộc lộ rất rõ về sự giảm sâu của sức mua toàn cầu và cũng bắt đầu ảnh hưởng sang quý I/2023.

Bên cạnh đó, năm 2022 các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng rất nhanh trong vấn đề chuyển dịch thị trường truyền thống, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng từ chuyên môn hóa cao, chuyển sang sản xuất đa dạng các mặt hàng. Do dó, các doanh nghiệp đã phải đầu tư rất lớn vào công nghệ, máy móc để thích ứng được các dòng sản phẩm không còn những bước chuyên môn hóa như trước.

Chủ tịch VITAS cũng đặt ra 3 giải pháp cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023. Một là, tiếp tục xây dựng nền tảng và phương pháp nhằm đa dạng hóa thị trường. “Đây là mục tiêu có tính then chốt. Chúng ta phải tập trung vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nhãn hàng và đa dạng hóa kiểu dáng của các sản phẩm để làm sao có thể thích ứng được với tất cả những yêu cầu và đòi hỏi của thị trường”, ông Giang cho biết.

Hai là, tiếp tục xây dựng giải pháp về thích ứng với phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu theo yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, từ các nước nhập khẩu. Hiệp hội sẽ luôn chie sẻ thông tin và đưa ra những cảnh báo, cũng như những giải pháp của thị trường để các Hội viên tiếp tục nắm thông tin để đưa ra những giải pháp về đầu tư chiều sâu, đầu tư về chiến lược và đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng những yêu cầu của các nhãn hàng.

Ba là, xây dựng giải pháp về chiến lược nguồn lực. Ông đánh giá, đây là giải pháp sống còn của ngành dệt may Việt Nam. Nguồn lực của ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu, thích ứng nhanh với những cơ chế thị trường đang có chuyển biến rất nhanh với đòi hỏi phải giao hàng nhanh, giá thành phải cạnh tranh và chất lượng phải luôn ổn định. Đặc biệt, là đòi hỏi sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

>>>Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA

5 mục tiêu giải pháp có tính then chốt của SaigonTex 2023

Bên cạnh đó, Chủ tịch VITAS cũng cho rằng, triển lãm SaigonTex năm 2023 diễn ra từ ngày 5-8/4 tới đây cũng là một trong những định hướng chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023. Theo ông Giang, SaigonTex 2023 sẽ đặt ra 5 mục tiêu giải pháp có tính then chốt.

triển lãm SaigonTex năm 2023 diễn ra từ ngày 5-8/4 tới đây cũng là một trong những định hướng chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023.

Triển lãm SaigonTex năm 2023 diễn ra từ ngày 5-8/4 tới đây cũng là một trong những định hướng chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2023. 

Thứ nhất, là giải quyết vấn đề liên quan đến thiếu hụt nguồn cung. Triển lãm lần này sẽ có sự tham dự của những nhà sản xuất nguyên phụ liệu toàn cầu và đưa thông tin cho các Byer, các nhà mua hàng của ngành dệt may Việt Nam. Đây là một trong những cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với nguồn cung bị thiếu hụt.

Thứ hai, triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp về thiết bị và công nghệ tự động hóa phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp. Bởi hiện nay, yêu cầu của thị trường đòi hỏi phải nhanh, nên các doanh nghiệp cần phải đầu tư về thiết bị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thứ ba, doanh nghiệp sẽ được tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề của ngành dệt may Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm thông tin về diễn biến của thị trường, về nguyên phụ liệu, về những yêu cầu của các nhãn hàng, về những thách thức cũng như cơ hội của ngành dệt may toàn cầu.

Thứ tư, triển lãm cũng sẽ là nền tảng để xây dựng các liên kết chuỗi. Các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để “bắt tay”, hợp tác với nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới, cũng như nắm bắt được những thiết bị, công nghệ hiện đại từ những nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng của thế giới.

Thứ năm, triển lãm sẽ mang lại một nền tảng phát triển bền vững, sự sống còn của doanh nghiệp. Triển lãm cũng sẽ mang lại một lượng thông tin rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu của ngành dệt may, cũng như các doanh nghiệp ngành thiết bị công nghệ, tự động hóa, quản trị số và một số các sản phẩm có tính khác biệt lớn.

Nhận định về tình hình của các doanh nghiệp trong ngành, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đó là sự dịch chuyển lao động tại các thành phố lớn. Ông cho biết, trong 2 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm lao động từ 15-18%.

Bên cạnh đó, một số đơn hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu quy mô của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp vẫn phải nhận những đơn hàng không phải chuyên môn của họ, dẫn đến thời gian sản xuất và năng suất lao động thấp, làm tăng chi phí, nhưng hiệu quả lại không cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp phải thách thức từ các nước nhập khẩu về những chính sách, đảm bảo về môi trường, chính sách về việc sử dụng sản phẩm tái chế, chính sách về minh bạch trong hoạt động…đây là những yêu cầu không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được ngay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Những thách thức đang đan xen với những cơ hội. Doanh nghiệp nào có quy mô, sở hữu chuỗi như sợi, dệt, nhuộm, may, thì sẽ vững vàng trong thời gian tới. Còn đối với các doanh nghiệp truyền thống làm gia công thì năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhận định.

Triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2023 sẽ diễn ra từ ngày 5-8/4/2023, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là sự kiện kết nối thương mại, mang đến một thị trường giao thương sôi động của ngành công nghiệp dệt may và mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh cả trong và ngoài nước. SaigonTex & SaigonFabric 2023 tăng thêm 250% tổng diện tích toàn khu triển lãm và tăng thêm 360% số lượng các doanh nghiệp tham gia triển lãm so với năm 2022.

Triển lãm thu hút sự tham dự của 1.300 đơn vị triển lãm, đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Bỉ, Cộng Hòa Séc, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hy Lạp, Lithuania, Mỹ, Nhật Bản, Pakitan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Việt Nam, Ý.

Khách tham quan có thể tìm thấy nhiều thương hiệu máy móc dệt may quốc tế nổi tiếng về các máy thiết bị dệt, nhuộm, đo quang phổ, máy may thêu tự động, chuyền treo, công nghệ chuyển đổi số, hệ thống CAD – CAM, lập trình, cắt trải vải, in kỹ thuật số công nghệ cao. Bên cạnh đó, là các hoạt động hội thảo, gặp gỡ kết nối doanh nghiệp, tham quan nhà máy…

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành Dệt may: Đón chờ bước ngoặt từ doanh nghiệp sợi

    Ngành Dệt may: Đón chờ bước ngoặt từ doanh nghiệp sợi

    03:00, 11/03/2023

  • Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA

    Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA

    03:30, 16/02/2023

  • “Ngược dòng” khó khăn của ngành dệt may, TCM lãi đậm

    “Ngược dòng” khó khăn của ngành dệt may, TCM lãi đậm

    04:50, 06/02/2023

  • Hải Dương: Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may

    Hải Dương: Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may

    00:09, 05/02/2023

  • “Xanh hóa” ngành dệt may

    “Xanh hóa” ngành dệt may

    02:00, 31/01/2023

ĐÌNH ĐẠI