Xây dựng hạ tầng: Đảm bảo tăng trưởng nhờ giá trị backlog lớn
Các công ty xây dựng hạ tầng lớn đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2023 nhờ giá trị backlog lớn và việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng.
>>Quốc hội đề nghị xem xét trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công
Doanh thu tăng trưởng khả quan nhưng lợi nhuận ròng có phần hạn chế
Hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2023 nhờ:
Thứ nhất, giá trị backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) lớn sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2;
Thứ hai, Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm nay sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ghi nhận doanh thu tại các dự án hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, đã có sự phân hóa giữa các công ty trong ngành. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (C4G) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2023 tăng trưởng mạnh 114% so với cùng kỳ trong khi Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), Công ty cổ phần LIZEN (LCG) lại giảm lần lượt 8% và 23% so với cùng kỳ, chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần như trong năm trước.
Cụ thể: VCG ghi nhận lãi 663 tỷ đồng từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Upcom, VCR), tương đương 67% lợi nhuận trước thuế và LCG ghi nhận lãi 268 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi 2 dự án điện mặt trời, tương đương 109% lợi nhuận trước thuế. Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này, kế hoạch LNST năm 2023 của VCG, LCG vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các công ty xây dựng hạ tầng cũng đã phần nào phản ánh kế hoạch kinh doanh cả năm. Tất cả các công ty đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, tuy nhiên mới chỉ hoàn thành 8-12% kế hoạch doanh thu cả năm (trừ CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) do mảng thu phí BOT chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu). Lý do chủ yếu của xu hướng này là do đặc thù ngành, thường ghi nhận doanh thu lớn vào những quý cuối năm.
Đầu tư công - yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 4/2023 tăng 16,4% so với cùng kỳ lên 39,3 nghìn tỷ đồng. Trong 4 tháng năm 2023, vốn nhà nước thực hiện tăng 17,9% so với cùng kỳ lên 131,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện 4 tháng năm 2023 chỉ đạt khoảng 19% kế hoạch cả năm 2023. Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023. Theo tôi, một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, bao gồm:
Nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua: Nhờ tăng trưởng GDP khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 51% cuối năm 2016 xuống 40% vào cuối năm 2022 (ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
>>"Lên giây cót" tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công phục hồi tăng trưởng
Lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023: Tính đến ngày 10/5, trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm 167 và 170 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt là 3,0% và 3,1%. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm lần lượt 242 và 189 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt 2,6% và 3,2%.
Lạm phát hạ nhiệt trong vài tháng vừa qua: Lạm phát của Việt Nam giảm xuống 2,8% so với cùng kỳ trong tháng4/2023 từ mức 4,2% so với cùng kỳ trong quý 1/2023. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trước ngày 30/6: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM. Các dự án này cần khởi công trước 30/6 năm nay. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự phóng vốn nhà nước thực hiện tăng 25% so với thực tế thực hiện năm 2022.
Giá trị backlog lớn đảm bảo tăng trưởng doanh thu mảng xây lắp
Sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog tăng đáng kể. Đáng chú ý, giá trị backlog của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) cuối quý 1/2023 là 3.135 tỷ đồng, gấp 6 lần so với trung bình doanh thu mảng xây lắp của công ty trong giai đoạn 2021-2022.
Việc các dự án hạ tầng giao thông thường có được thi công trong 2-2,5 năm, trong giai đoạn 2023-2025, các công ty xây dựng hàng đầu đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu so với giai đoạn 2021-2022. Chúng tôi cho rằng các công ty này vẫn đang có cơ hội tiếp tục giành thêm những gói thầu mới và trực tiếp hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Do đó, quy mô doanh thu của các công ty xây dựng hàng đầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Bên cạnh đó, siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) cũng hấp dẫn nhiều nhà thầu với tổng giá trị xây lắp lên tới 56.000 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói 5.10 – gói thầu lớn nhất – xây dựng nhà ga hành khách tại LTIA vẫn đang liên tục bị trì hoãn do giá thầu thiếu hấp dẫn và thời gian thi công gấp gáp. Chúng tôi kỳ vọng sau khi được phê duyệt điều chỉnh 2 nút thắt lớn nhất kể trên, LTIA cũng sẽ là động lực tăng trưởng cho các nhà thầu nội trong thời gian tới. Hơn nữa, Ban lãnh đạo của các công ty xây dựng cũng chia sẻ rằng vốn đối ứng ban đầu của chủ đầu tư cho nhà thầu tại các dự án sân bay thường là 30-50% giá trị gói thầu, cao hơn đáng kể so với các dự án thi công đường bộ (10-20%).
Do đó, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023-2025 và các công ty đáp ứng các tiêu chí: năng lực thi công tốt; tỷ lệ giá trị backlog/doanh thu lớn và sức khỏe tài chính lành mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong cụm công nghiệp
04:10, 19/03/2023
Thủ tướng phân công giải quyết vướng mắc trong đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông
14:22, 19/02/2023
Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp
02:21, 18/04/2023
TP HCM quyết tâm gỡ vướng đầu tư công, ủy quyền duyệt dự án nhóm C về địa phương
10:52, 25/05/2023
Quốc hội đề nghị xem xét trách nhiệm chậm phân bổ vốn đầu tư công
10:48, 19/05/2023
"Lên giây cót" tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công phục hồi tăng trưởng
17:23, 11/05/2023
“Hấp thụ” hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công cách nào?
12:41, 01/05/2023