Đồng bộ phát triển nguồn và lưới để không còn điệp khúc "thiếu điện"
Lưới điện đầu tư đạt tỷ lệ thấp sẽ gây mất cân đối giữa nguồn và lưới, đồng thời không đáp ứng đủ năng lực truyền tải sẽ là một trong các nguyên nhân chính khó đảm bảo cung ứng điện.
>>Giải pháp nào đảm bảo điện cho miền Bắc trong dài hạn?
Không hoàn thành nhiệm vụ về cung ứng điện
Ngày 14/6, Tổng Giám đốc tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đối với ông Nguyễn Đức Ninh để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện. Đây là nội dung trong chương trình thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các đơn vị liên quan. Đoàn thanh tra bắt đầu làm việc từ 10/6 và liên tục trong 30 ngày.
Đoàn thanh tra chuyên ngành bao gồm lãnh đạo đại diện các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài Chính, Vụ Dầu khí và than. Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu đoàn thanh tra cần làm rõ về việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện, tính công bằng; vấn đề truyền tải điện và thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Liên quan về nhiệm vụ cung ứng điện, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách trong quản lý thực hiện các công trình điện theo Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2011-2020), đã cho thấy rõ một phần về hiện trạng thiếu điện hiện nay thuộc về trách nhiệm của EVN.
Đặc biệt là phần phát triển lưới truyền tải đạt tỷ lệ thấp sẽ gây mất cân đối giữa nguồn và lưới đã là một trong các nguyên nhân chính gây bất ổn trong cung ứng điện.
Theo đó, với kế hoạch phát triển nguồn điện, từ giai đoạn 2016-2020 EVN được giao thực hiện đầu tư, đưa vào vận hành 13 dự án nhiệt điện, thủy điện với tổng công suất 7.185MW. Nhưng trên thực tế, EVN và các đơn vị thành viên chỉ hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án, có tổng công suất 5.908MW, đạt 82,2%.
Cần khuyến khích tư nhân đầu tư ở miền Bắc
Đặc biệt nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ, các dự án được công nhận vận hành thương mại gặp khó khăn trong việc giải tỏa công suất do hạ tầng lưới điện đầu tư đạt tỷ lệ thấp không đáp ứng đủ năng lực truyền tải, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… Đây là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất phát điện của nhà máy, ảnh hưởng đến hệ thống vận hành điện.
Mặc dù là biết trước về dự báo sẽ thiếu điện vào năm 2023 cho phát triển kinh tế -xã hội, thế nhưng ngành điện vẫn chưa có phương án bổ sung nguồn mới và giải pháp truyền tải để đưa điện từ miền Nam ra miền Bắc.
TS.Tạ Đình Thiên cho biết, hậu quả thiếu điện hôm nay là của tầm nhìn chiến lược trước đó chưa được bao quát và toàn diện. Theo chuyên gia kinh tế này, giải pháp nhanh nhất là phương án tạo cơ hội cho tư nhân họ tham gia vào phát triển hệ thống điện. Tuy vậy, thủ tục phải nhanh gọn, thông thoáng, không có cơ chế xin cho gây tốn kém cho doanh nghiệp, đồng thời chính sách cũng cần ổn định.
Bên cạnh đó, đối với những địa phương có phụ tải tăng cao như miền Bắc, giải pháp có thể là cho phép làm điện gió, năng lượng tái tạo, khuyến khích tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo khu vực này.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm bài học đã xảy ra từ thực tế, khi khuyến khích tư nhân phát triển dự án điện, thì có chiến lược thu hút doanh nghiệp ngoài nhà nước cùng phát triển song song hệ thống truyền tải, lưới điện một cách đồng bộ để giải tỏa công suất. “Đây là bài học rất lớn, câu chuyện liên quan đến tầm nhìn chiến lược, giải pháp cơ bản phát triển thị trường tự do, không phải hành chính quan liêu siết chặt các điều kiện” – TS.Tạ Đình Thiên cho biết.
Đưa ra bài toán giả quyết vấn đề thiếu điện một cách nhanh nhất, các chuyên gia năng lượng cho biết, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Với việc không phát sinh thêm kinh phí đầu tư truyền tải, chúng ta cần sớm cho phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐTMMN) tại miền Bắc để tận dụng nguồn năng lượng phân tán từ mô hình này. Các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐTMMN nói riêng đã đóng góp tích cực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung do ảnh hưởng của hiện tượng El nino và giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Điện thiếu và chính sách cho năng lượng tái tạo
05:00, 26/05/2023
Tháo gỡ rào cản để năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư
23:59, 23/05/2023
Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Khi nào mới có giá bán chính thức?
11:30, 06/06/2023
Tổng giám đốc EVN chịu trách nhiệm khi thanh kiểm tra
14:53, 11/06/2023
1 luật sửa 9 luật: Thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải
05:50, 18/02/2022