Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 có nguy cơ bị đưa ra khỏi quy hoạch

LAN VŨ 12/11/2023 12:25

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I là 1 trong 5 dự án nhiệt điện than thuộc quy hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 trên toàn quốc chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.

>>>Hải Dương: Xem xét xử lý 80 dự án chậm tiến độ

>>>Hải Dương: Tháo gỡ khó khăn các dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Công thương, danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn gồm có 5 dự án. Tổng công suất của 5 dự án này lên tới 7.220MW. Bao gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), nhiệt điện Công Thanh 600MW, nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.

Trong đó, Dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định I được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 15/6/2017 tại Nam Định cho liên danh Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (A-Rập-Xê-Út) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất (có trụ sở tại Singapore).

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) giữa nhà đầu tư và Bộ Công Thương, được xây dựng, vận hành theo thiết kế nhà máy nhiệt điện đốt than, với công suất khoảng 1.109,4MW, gồm hai tổ máy, công suất mỗi tổ khoảng 554,7MW. Dự án được thực hiện tại địa bàn hai xã Hải Châu và Hải Ninh (Hải Hậu) trên diện tích 242,71ha, thời gian dự kiến khởi công là vào giữa năm 2018. Tuy nhiên, sau lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án vẫn "án binh bất động" kéo dài cho đến nay.

Giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện nhà đầu tư Công ty TNHH điện lực Nam Định thứ Nhất

Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện nhà đầu tư Công ty TNHH điện lực Nam Định thứ nhất

Tổng giám đốc Tập đoàn Taekwang Power Sang Young Jin cho biết, nguyên nhân dự án Nhiệt điện Nam Định 1 bị chậm trễ kéo dài nhiều năm là do nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn, thay đổi cổ đông và khó khăn trong hoàn tất các quy trình, thủ tục đầu tư.

Để bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 457/TB-VPCP Kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp.

Theo nội dung Thông báo, Thường trực Chính phủ đã kết luận, chỉ đạo các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến các khâu quan trọng của năng lượng điện, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, tiêu thụ và tiết kiệm điện, nghiên cứu giá điện phù hợp.

Trong đó, kết luận về nguồn điện than BOT, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11/2023. Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch hoặc chấm dứt hợp đồng.

>>>Quảng Ninh: Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ

>>>Hòa Bình: Nhiều dự án chậm tiến độ bị đề nghị thu hồi

Tại buổi làm việc với tỉnh Nam Định Tổng Giám đốc Tập đoàn Taekwang khẳng định mạnh mẽ quyết tâm tiếp tục đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1. Với mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư dự án, hiện, Tập đoàn Taekwang Power đã hoàn tất công tác thu xếp vốn. Xác lập định hướng đầu tư bổ sung công nghệ hiện đại theo hướng giảm tác động, đảm bảo môi trường theo quy chuẩn của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26. Dự kiến vào cuối năm 2023, tập đoàn sẽ hoàn tất các phần việc của giai đoạn triển khai dự án.

Về phía tỉnh Nam Định, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cho biết, tỉnh sẽ bám sát quy hoạch điện VIII. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ Taekwang Power thực hiện hiệu quả các phần việc tiếp theo. Đồng thời đề nghị nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc khi triển khai cần nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động môi trường.

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 từng được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Nam Định và bổ sung nguồn năng lượng cho khu vực Đồng bằng Sông Hồng cũng như cho cả nước

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 từng được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Nam Định và bổ sung nguồn năng lượng cho khu vực Đồng bằng Sông Hồng cũng như cho cả nước

Theo Quy hoạch điện VIII (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5), dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 vẫn được xếp trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện, thuộc nhóm các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn. Dự án đã được giao Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Được biết, ngày 16/10, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan) đã tìm hiểu và đề xuất sơ bộ với Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) - đơn vị chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1, về việc cùng hợp tác đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 theo hướng chuyển đổi từ nhiệt điện than sang sử dụng khí LNG.

Việc hợp tác hoặc chuyển đổi chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí của Tập đoàn chắc chắn sẽ thành công do việc chuyển đổi đã được tỉnh và Tập đoàn Taekwang đề xuất với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là phương án phù hợp với chủ trương chuyển đổi, phát triển theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh.

Các dự án điện than đang chờ phương án xử lý kể trên sẽ khó có thể hoàn thành trong bối cảnh nguồn tín dụng cho điện than bị siết chặt. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất chuyển sang dùng nhiên liệu LNG. Do vậy, theo các chuyên gia, việc nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chuyển các dự án điện than không có khả năng triển khai sang điện khí LNG là rất cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Mạnh tay với những dự án chậm tiến độ

    Hải Phòng: Mạnh tay với những dự án chậm tiến độ

    10:28, 18/10/2023

  • Quảng Ninh: Khó khăn trong thu hồi các dự án chậm tiến độ

    Quảng Ninh: Khó khăn trong thu hồi các dự án chậm tiến độ

    00:30, 05/10/2023

  • Nghệ An “stop” các dự án chậm tiến độ, không khả thi

    Nghệ An “stop” các dự án chậm tiến độ, không khả thi

    11:05, 16/09/2023

  • Tây Ninh: Thu hồi 5 dự án chậm tiến độ

    Tây Ninh: Thu hồi 5 dự án chậm tiến độ

    14:04, 04/09/2023

LAN VŨ