Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng của ngành Công nghệ và Viễn thông
Mặc dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại nhưng chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu vẫn ổn định do các doanh nghiệp đang hoàn thành giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi số.
>>>Kết nối nhân tài công nghệ cao Đài Loan (Trung Quốc) - Việt Nam
Dẫn số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 113,8 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần cứng & điện tử đạt khoảng 106 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt xấp xỉ 96,8 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Sự sụt giảm thị trường thiết bị điện tử phần cứng trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu điện tử của Việt Nam khi tỉ trọng doanh thu xuất khẩu chiếm gần 90% doanh thu công nghiệp ICT.
TPS đánh giá, điểm sáng của thị trường công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam năm 2023 là mảng xuất khẩu phần mềm vẫn duy trì tăng trưởng hai chữ số tại thị trường Nhật Bản và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Theo dự báo của Gartner (công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ của Mỹ) chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 và 2024 tăng trưởng lần lượt 12,3% và 13,1%. Điều này tạo ra cơ hội tăng trưởng cho ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam trong tương lai và hướng tới mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD.
Theo định hướng phát triển ngành TT&TT, tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông năm 2024 và 2025 sẽ tăng lên 175 tỷ USD và 185 tỷ USD. Xuất khẩu công nghiệp CNTT sẽ đạt 148 tỷ USD năm 2024 và đạt mức 160 tỷ USD vào năm 2025.
“Mặc dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại nhưng chi tiêu cho CNTT toàn cầu vẫn ổn định do các doanh nghiệp đang hoàn thành giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi số, tập trung ứng dụng công nghệ vào các yếu tố thúc đẩy kinh doanh và tiếp tục giai đoạn thứ hai, tập trung vào yếu tố nâng cao chất lượng quản lý”, TPS đánh giá.
Theo Công ty Chứng khoán này, xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp dưới hình thức nâng cấp các công cụ đã có trong ngân sách đầu tư cho CNTT của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chi tiêu cho dịch vụ & phần mềm CNTT toàn cầu tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Chi tiêu cho Data center để duy trì các Data center tại chỗ (on-premise) và chi tiêu mới tiếp tục chuyển sang các đám mây (cloud) sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ CNTT và xuất khẩu phần mềm vẫn tích cực nhờ lợi thế cạnh tranh: Nguồn nhân lực trẻ có khả năng thích nghi nhanh với những công nghệ mới và chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
TPS cho rằng, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhờ những yếu tố sau: Hệ thống chính trị ổn định; Vị trí địa lý thuận lợi; Nguồn lao động dồi dào với chi phí lao động cạnh tranh; Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý Việt Nam sở hữu một loại khoáng sản đặc biệt là đất hiếm - nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới.
“Hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đang củng cố nội lực để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam trong vai trò là nhà sản xuất, gia công, lắp ráp & thử nghiệm”, TPS nhận định.
Cũng theo TPS, chiến lược "Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% GDP vào năm 2030. Đóng góp của kinh tế số trong GDP ngày càng tăng, tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số đã đạt gần 15% GDP, khá sát với mục tiêu 15,5% mà Bộ TT&TT đặt ra trong năm 2023.
Mặc dù doanh thu toàn ngành TT&TT giảm 8,66% so với cùng kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2023 nhưng tính riêng lĩnh vực truyền thông vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ, đạt 53% kế hoạch năm.
“Trong thời gian tới, sẽ đấu giá tần số, khuyến khích các bên tham gia vào thúc đẩy 5G. Việc triển khai 5G sẽ có tác động lớn đến ngành viễn thông. Tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn của 5G sẽ cho phép các dịch vụ và ứng dụng mới không thể thực hiện được trước đây. Điều này sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh của các nhà khai thác viễn thông và có thể giúp các nhà mạng di động tăng doanh thu thêm 300 triệu USD mỗi năm”, TPS nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Toshiba Việt Nam ra mắt thế hệ tủ lạnh và máy giặt mới 'Tinh hoa công nghệ. Vượt trội tương lai'
08:00, 21/11/2023
Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Số ADVTV đầu tư phát triển nhiều sản phẩm công nghệ số
17:07, 20/11/2023
Kết nối nhân tài công nghệ cao Đài Loan (Trung Quốc) - Việt Nam
08:33, 19/11/2023
TP HCM mời gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư lĩnh vực tăng trưởng xanh và công nghệ cao
15:04, 17/11/2023