Nông sản Hà Tĩnh tìm đường… "xuất ngoại"

TÂM ĐAN 11/03/2022 20:45

Sau khi khẳng định thương hiệu và chất lượng trong nước, bánh đa vừng và ram Hà Tĩnh đã chính thức tìm được đường… "xuất ngoại".

>>Hải Dương: Rộng đường “xuất ngoại” cà rốt

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Havina Việt Nam vừa xuất khẩu thành công 7 tạ vỏ bánh ram (tương đương 350 vạn vỏ bánh) đi Hàn Quốc. Đây là đơn hàng đầu tiên trong lộ trình đưa bánh ram Hà Tĩnh xuất ngoại. Số bánh ram này do công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm (địa chỉ tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) sản xuất.

Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nguyên Lâmcũng đã xuất khẩu thành công 64.000 tệp bánh đa vừng

Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nguyên Lâm cũng đã xuất khẩu thành công 64.000 tệp bánh đa vừng

Để đưa bánh ram vượt qua những chỉ tiêu khắt khe của thị trường nước ngoài, công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng trang bị dây chuyền làm bánh mới, gồm: máy trộn bột, máy tráng và hệ thống sấy theo công nghệ Đài Loan.

Theo đó, mỗi mẻ vỏ bánh ram sau khi được tráng trên máy sẽ được công nhân chuyển vào máy sấy với nhiệt độ từ 20 - 300C trong thời gian 2 giờ. Bánh ram được sấy bằng hệ thống tự động, ổn định nhiệt độ, chất lượng bánh đồng đều, cải thiện được việc phơi trực tiếp ngoài trời như trước đây. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện bằng hệ thống máy móc, hạn chế tối đa việc tiếp xúc bằng tay để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với sự kết nối của UBND TP Hà Tĩnh, công ty đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Havina Việt Nam đưa sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài. Sản phẩm được Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, chi nhánh Hà Nội đánh giá chất lượng đảm bảo chỉ tiêu vi sinh (Ecoli, Coliforms,Salmonella).

Sau thành công lô hàng đầu tiên, hiện Công ty CP Sản xuất thực phẩm Hồ Cầm đang tiếp tục kết nối, xúc tiến ký hợp đồng với đối tác mới tại TP Hồ Chí Minh, cung cấp vỏ bánh ram xuất khẩu đi các nước.

Trước đó, Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đã xuất khẩu thành công 64.000 tệp bánh đa vừng trị giá 326 triệu đồng sang Nhật Bản. Đây cũng là lô hàng đầu tiên trong tổng số 3 lô hàng mà cơ sở Nguyên Lâm ký kết với đối tác Nhật Bản trong đợt này.

Ngoài thị trường Nhật Bản, Hợp tác xã Nguyên Lâm đang nhắm đến những thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu

Ngoài thị trường Nhật Bản, Hợp tác xã Nguyên Lâm đang nhắm đến những thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu

Theo anh Lê Văn Duẩn, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nguyên Lâm, ban đầu, cơ sở sản xuất bánh đa của anh chỉ cung cấp số lượng nhỏ cho các nhà hàng, quán ăn tại khu vực xã Kỳ Giang, tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng dồi dào, chất lượng của sản phẩm tốt, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Năm 2020, cơ sở Nguyên Lâm tham gia chương trình OCOP với hai sản phẩm chủ lực là bánh đa vừng, miến vừng đen và đạt tiêu chuẩn 3 sao. Anh Duẩn mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua máy móc công nghệ mới để nâng tầm sản phẩm cả về chất lượng và mẫu mã. Từ sản lượng tiêu thụ mỗi năm tăng lên đáng kể. Năm 2019, cơ sở của anh tiêu thụ khoảng 900.000 bánh thì đến năm 2021 anh bán ra gần 2.000.000 bánh, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng

“Từ thành công của lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Nhật Bản, chúng tôi đang tiếp tục hoàn tất quy trình, thủ tục để đưa lô hàng tiếp theo sang chinh phục thị trường Nhật Bản. Dự kiến trong năm 2022, sẽ xuất khẩu thêm 2 lô hàng nữa. Sau khi chinh phục được thị trường yêu cầu cao như Nhật Bản, thời gian tới chúng tôi sẽ nhắm đến những thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu”, anh Duẩn chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho hay, thông qua việc kết nối, phối hợp với Bộ Công thương, các sàn thương mại điện tổ chức các chương trình livestream quảng bá sản phẩm chủ lực và triển khai hiệu quả mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trong làng, xã, nay đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, một số sản phẩm nông sản đã có đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

“Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng. Rà soát, lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu, lợi thế của tỉnh để củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, như: Nhung Hươu Hương Sơn, Trầm hương Phúc Trạch...”, ông Nghĩa cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh nỗ lực đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc – Nam

    Hà Tĩnh nỗ lực đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc – Nam

    02:33, 11/03/2022

  • Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Dự án đê biển 300 tỷ dở dang do thiếu vốn

    Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Dự án đê biển 300 tỷ dở dang do thiếu vốn

    00:03, 10/03/2022

  • Nữ doanh nhân Hà Tĩnh vững tay chèo “con tàu” doanh nghiệp

    Nữ doanh nhân Hà Tĩnh vững tay chèo “con tàu” doanh nghiệp

    18:51, 07/03/2022

  • Hà Tĩnh: Vì sao giá đất nông thôn “nhảy múa” từng giờ?

    Hà Tĩnh: Vì sao giá đất nông thôn “nhảy múa” từng giờ?

    10:35, 02/03/2022

TÂM ĐAN