Xây dựng Thaco thế hệ mới ở thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác bộ ngành TW đã làm việc với lãnh đạo Quảng Nam và khảo sát thực tế Công ty Cổ phần Ô tô Chu Lai - Trường Hải Thaco.
>>Quảng Nam: Công nghiệp dược liệu dần được quan tâm
Ngay sau khi đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam và Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác đến thăm Công ty Cổ phần Ô tô Chu Lai - Trường Hải Thaco và khảo sát khu cảng biển nằm trong khu phức hợp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai ngày 27/3.
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của Thaco với triết lý đồng hành cùng đất nước. Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO Trần Bá Dường cho biết: Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Thaco đạt hơn 60.700 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 215 triệu USD, nộp ngân sách hơn 20.500 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu năm 2022 là 100 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Thaco trong việc đóng góp ngân sách lớn; đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp; tạo công ăn việc làm cho hơn 60 nghìn lao động và đã dành hơn 2.200 tỷ đồng cho an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương lớn, nhất quán của Đảng là phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân để “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Với chiến lược phát triển và kết quả đạt được của THACO trong hơn 2 thập kỷ qua đã minh định rõ đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước là đúng đắng.
"Trong chiến lược phát triển của mình, cùng với định hướng đúng đắng, THACO cần tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được để phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp cơ khi ô tô. Với sứ mệnh là người đi tiên phong, trong vòng 25 năm tới, THACO phải sinh ra một thế hệ mới của công nghiệp 4.0 và của giai đoạn chuyển đổi số cả về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng và cả về đóng góp cho xã hội, bao gồm đóng góp ngân sách và đóng góp an sinh xã hội. Đồng thời tiếp tục phát triển khu công nghiệp cơ khí cho xứng tầm, để đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp nền tảng. Những cơ chế, chính sách thế nào, vướng mắc gì thì Quảng Nam các bộ, ngành và Chính phủ sẽ giải quyết nhanh gọn tạo điều kiện tối đa cho Thaco lớn mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi khảo sát và kiểm tra tại Cảng Chu Lai, Cảng Hàng không Chu Lai Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam và Thaco tập trung đầu tư phát triển 2 cảng này để phục vụ cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới trở thành cảng trung chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không của khu vực.
Không chỉ cảng biển, mà Thủ tướng yêu cầu sớm nghiên cứu đề xuất để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ lên biên giới thẳng nhất có thể, theo hình thức PPP. Đây là những nhiệm vụ quan trọng, nếu có vướng mắc gì về cơ chế, chính sách thì Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ngay sau khi khảo sát tại Khu kinh tế mở Chu Lai, chiều hôm nay Thủ tướng làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đạt được nhiều kết quả. Sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, Quảng Nam vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực, đóng góp 14% vào ngân sách Trung ương từ năm 2022. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt hơn 23.700 tỉ đồng, gấp hơn 102 lần so với thời điểm mới tái lập.
Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường ven biển gắn với sân bay, hệ thống cảng biển Chu Lai. Các chương trình, dự án đầu tư có trọng điểm, đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là hạ tầng giao thông với nhiều công trình quan trọng, có tính chất liên vùng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thúc đẩy lan tỏa phát triển từ đô thị tới nông thôn kết nối giữa đồng bằng ven biển và miền núi cũng như các tỉnh thành trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%, xếp vị thứ 31 trong cả nước và đứng thứ 2 trong số 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách đạt 123% so với dự toán, thu nội địa và xuất nhập khẩu đều vượt so với dự toán.
Năm 2022, Quảng Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tăng từ 7,5 – 8%, thu ngân sách trên địa bàn 23.700 tỉ, tăng 22,4% so với dự toán giao năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 19.000 tỉ đồng, tăng 18.7% so với dự toán 2021. Nhiều giải pháp cụ thể được đặt ra để đạt mục tiêu đề ra.
Làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác, Quảng Nam cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, đầu tư phát triển sân bay Chu Lai, hệ thống cảng biển, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai; chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư trong khu Kinh tế mở Chu Lai. Quảng Nam cũng đề xuất về cơ chế hình thành trung tâm quốc gia về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, bổ sung quỹ đất phát triển công nghiệp.
Đặc biệt, Quảng Nam đề xuất cho phép xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không Chu Lai gắn với cơ chế hoạt động khu phi thuế quan tiếp giáp cảng hàng không.
Cùng với đó là các nội dung kiến nghị liên quan đến sắp xếp lại rừng phòng hộ, ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai; đầu tư nâng cấp quốc lộ 14D, 14E để tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây; chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên; hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành Silicca.
UBND tỉnh cũng đề cập đến các nội dung hình thành khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và giải quyết tồn tại kéo dài của dự án Làng đại học Đà Nẵng, dự án nạo vét sông Trường Giang tạo động lực phát triển đô thị, du lịch, vận tải, và thoát lũ cho khu vực.
Có thể bạn quan tâm