Điều chỉnh dự án sau “băm nát” quy hoạch trước: Loay hoay giải quyết hậu quả
Sau khi chấp thuận cho nhà đầu tư được phép “cắt xén” quy hoạch hiện các cấp ngành TP Vinh, tỉnh Nghệ An đang loay hoay giải quyết hậu quả.
Trong khi đó, hàng chục hộ dân sinh sống từ nhiều đời qua ven bờ Nam sông Vinh thuộc phường Vinh Tân, TP Vinh thì rơi vào thực trạng “đi không được, ở không xong” vì cách lấp liếm quy hoạch của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.
Đi dở, ở thiệt
Trước ý kiến trả lời dư luận của TP Vinh về việc sẽ xem xét lại quy hoạch phân khu phường Vinh Tân theo chiều hướng có thể cho tồn tại đất ở tại khu vực tiếp giáp phía Nam sông Vinh, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến xung quanh về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho rằng, nếu cấp trên biến đất quy hoạch cây xanh thành đất ở thì người dân gốc sinh sống ở đây sẽ bị thiệt thòi đầu tiên. Chưa kể, mỹ quan đô thị trước đó đã được phê duyệt quy hoạch cho phường sẽ bị phá vỡ, gây ảnh hưởng đến hướng phát triển chung của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Điều chỉnh dự án sau, “băm nát” quy hoạch trước: Chính quyền “lỡ tay” ký duyệt?
12:05, 16/12/2018
Nghệ An: Điều chỉnh dự án sau, “băm nát” quy hoạch trước
15:00, 16/11/2018
Ông Nguyễn Viết Đức – Phó phòng Quản lý đô thị TP Vinh thông tin với phóng viên là hiện nay các cấp, ngành đang họp bàn để thống nhất việc điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phường Vinh Tân. Thời gian công bố điều chỉnh quy hoạch phân khu có liên quan đến việc tồn tại đất ở chồng lấn trên đất canh xanh hay không vẫn chưa xác định được cụ thể.
Còn ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND TP Vinh thì nói rằng do dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền – Vinh Tân được phê duyệt quy hoạch từ trước khi về giữ chức vụ này nên không nắm rõ. Ông Chiến nói thêm là dự án của Danatol đã được Sở Xây dựng thẩm định nên khi điều chỉnh, họ cũng sẽ dựa vào các quy định để phê duyệt, thực hiện.
Phá vỡ mỹ quan đô thị
Luật sư Thái Sỹ Oai – Trưởng VP Luật sư Nghệ Tĩnh nêu quan điểm trước khi điều chỉnh quy hoạch, các cơ quan chức năng phải được chấp thuận của những người có liên quan, cụ thể là trong cư dân có đa số ủng hộ hay không, đây là điều kiện cơ sở để giải quyết vấn đề.
Việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo Luật Đất đai năm 2014, cụ thể Điều 46 quy định việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định tại các Điều 42, 43, 44 và 48. Mặt khác, việc điều chỉnh quy hoạch là phải đảm bảo quy chuẩn, phải có diện tích cây xanh theo quy định và có tầm phát triển cho tương lai hướng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử – văn hóa và ý kiến cộng đồng.
“Việc lấy ý kiến cư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc điều chỉnh quy hoạch là điều kiện cơ sở. Nếu việc này chỉ mang tính hình thức, thì không giải quyết được những vấn đề cần, không đủ số lượng cư dân tham dự thì mọi việc không khách quan. Như vậy, không đúng quy định của pháp luật là khi điều chỉnh quy hoạch phải được đa số cư dân đồng ý. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch có thể dẫn đến tăng và giảm dân số trong khu đô thị. Điều chỉnh quy hoạch dẫn đến tăng dân số thì cần đánh giá xem hạ tầng cơ sở kỹ thuật có đáp ứng được, phục vụ đủ cho dân cư, xem có ảnh hưởng đến cảnh quan, di tích lịch sử - văn hóa hay không?” – Luật sư Oai phân tích.
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, nếu thực trạng này tồn tại thì chẳng bao lâu nữa, TP Vinh sẽ chìm trong biển nước vì sông Vinh đang bị thu hẹp lại. Hơn nữa, đây là con sông góp phần tiêu lũ phía Tây của TP Vinh nên hệ lụy của việc tắc nghẽn dòng chảy đang hiện hữu trong những năm gần đây. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đang “tiếp tay” cho nhà đầu tư “xóa sổ” đê sông Vinh thì hệ lụy cực kỳ nguy hiểm cho cuộc sống của người dân xung quanh.