Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

DIỆU HOA 03/06/2019 14:12

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý việc vỡ quy hoạch tại Ciputra. Tuy nhiên, câu chuyện vỡ quy hoạch không chỉ dừng lại ở khu đô thị kiểu mẫu này.

Một góc khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra

Một góc khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới điều chỉnh quy hoạch tại một số khu đô thị ở Hà Nội, trong đó có những khu đô thị được coi là kiểu mẫu, đáng sống nhất Hà Nội thì nay đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch.

Xử lý nghiêm minh

Thông báo dẫn chứng trường hợp đã được cơ quan báo chí phản ánh như tại Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra và Khu đô thị Ngoại giao đoàn. Đây là các dự án đã đề xuất thay đổi quy hoạch kiến trúc tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ. 

Được biết, Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra có quy mô 301 ha, là một trong những dự án đồng bộ cao cấp đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội với đầy đủ tiện ích, dịch vụ. Dự án này từng được mệnh danh là khu đô thị xanh, đẳng cấp dành riêng cho “quý tộc” Việt Nam và nước ngoài.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đề xuất quy hoạch các ô đất vốn dự định làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Khu vực quy hoạch với chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch đô thị

    Quy hoạch đô thị "nham nhở" đè nén áp lực giao thông

    11:00, 03/06/2019

  • Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ iI: Xử lý nghiêm cơ quan quản lý quy hoạch có sai phạm

    Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ iI: Xử lý nghiêm cơ quan quản lý quy hoạch có sai phạm

    10:40, 01/06/2019

  • Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ I: Hạ tầng xã hội đảo lộn

    Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ I: Hạ tầng xã hội đảo lộn

    17:57, 30/05/2019

  • Lập cổng thông tin điện tử giám sát việc thực hiện quy hoạch

    Lập cổng thông tin điện tử giám sát việc thực hiện quy hoạch

    21:00, 27/05/2019

Đề xuất này đã nhận lại sự phản đối gay gắt từ phía cư dân. Theo đại diện cộng đồng dân cư tại đây cho rằng điều chỉnh quy hoạch là vì lợi ích nhóm, cư dân tại đây bỏ tiền ra mua căn hộ chính là mua tất cả tiện ích, không gian và hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cư dân lo ngại quy hoạch gia tăng dân số sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật.

Hay tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn cũng xảy ra trường hợp tương tự. Theo phản ánh của báo chí, cư dân tại đây đã nhiều lần xuống đường, căng băng rôn, tuần hành quanh khu đô thị để thể hiện sự bức xúc không đồng ý việc thay đổi quy hoạch, xây bệnh viện u bướu trong khu đô thị. 

Điều đáng nói ở đây là việc khởi công bệnh viện đã được tiến hành khi chưa được sự đồng ý của cư dân cũng như chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch từ UBND TP Hà Nội.

Trước sự phản ánh của báo chí về hàng loạt dự án đang đối mặt với việc vỡ quy hoạch đô thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

“Vỡ” cả Thủ đô

Trên thực tế, việc các dự án khu đô thị thay đổi quy hoạch xảy ra rất phổ biến trên địa bàn Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng lên tới 80%, trong khi thiếu liên kết về hạ tầng và đã gây nhiều hệ quả nặng nề.

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch đô thị bị băm nát là do chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch, doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Đơn cử như tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, trong suốt 20 năm, chủ đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khiến tình trạng vỡ quy hoạch tại đây đến nay vẫn chưa dừng lại.

Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Cho đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng ở đây tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 đến 34 tầng. Các tiện ích chung, khu đất công cộng của cư dân bị thu hẹp dần, dân số cũng tăng lên khiến cơ sở hạ tầng sập sệ.

Hay như trên tuyến đường Lê Văn Lương với chưa đầy 1km nhưng phải gánh tới gần 40 dự án chung cư cao từ 25 - 35 tầng. Được quảng bá với các tiện ích giao thông khi nằm trên tuyết đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội, cư dân sau khi mua chung cư ở đây mới vỡ lẽ.

Vào giờ cao điểm mỗi ngày, từng dãy ô tô xếp hàng dài chờ đợi, xe máy tràn lên cả vỉa hè, không thể di chuyển được. Chưa kể, sau mỗi trận mưa kéo dài, điệp khúc “cứ mưa là lụt” khiến cư dân oán thán, không biết kêu ai.

Thậm chí, như tại dự án B4 Nam Trung Yên, vốn dĩ nằm trong quỹ đất tái định cư của Hà Nội, phục vụ công tác cải tạo và xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Năm 2008, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc cho Cty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) khai thác quỹ đất có diện tích 15.747m2 tại ô đất này để tạo nguồn thu hỗ trợ thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Cho đến nay, dự án này đã biến thành khu nhà phố thương mại trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn thì dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ vẫn luôn cầm chừng và dần đi vào quên lãng.

Có thể nói, quy hoạch đô thị Hà Nội đã bị băm nát không thương tiếc, cao ốc mọc lên nhưng hạ tầng ngày càng đi xuống. Tổng diện tích 7 quận nội thành lên đến 83km2, nhưng chỉ có 5,2km2 diện tích đường (chiếm 6,18%), con số này ở ngoại thành còn "tệ" hơn, khi chỉ 0,9% quỹ đất được dùng cho giao thông.

Theo TKS.Phạm Thanh Tùng -  Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch đô thị theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm là không sai, cái sai nằm ở chỗ các chủ đầu tư chỉ lo quy hoạch thêm nhà cao tầng để thu lợi mà không quan tâm đến hạ tầng cũng như chất lượng sống của dân cư. Đã đến lúc doanh nghiệp có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng hạ tầng với nhà nước.

Kỳ II: Kinh nghiệm của các nước trên thế giới

DIỆU HOA