Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ I: Hạ tầng xã hội đảo lộn

Diệu Hoa 30/05/2019 17:57

Những tồn tại lợi ích nhóm hay lỏng lẻo trong công tác quản lý quy hoạch đô thị đang đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội của hầu hết các thành phố.

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018) do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội, cả nước hiện có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ luỵ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

 Cư dân khu Ngoại giao đoàn Hà Nội phản đối chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch.br class=

Cư dân khu Ngoại giao đoàn Hà Nội phản đối chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch.

Bất cập từ tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Đơn cử như tại Khu đô thị Nam Thăng Long, việc thay đổi quy hoạch đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía cư dân. Cụ thể, tại ô đất T-13 được quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Ô đất P-14 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng xây xanh kết hợp đồng bộ ô T-13.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch đô thị và hội chứng “hiện đại hóa” di tích

    07:15, 02/04/2019

  • Quy hoạch đô thị thất bại do thiếu dòng tiền

    09:00, 15/12/2018

  • Quy hoạch đô thị mới phải đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ

    16:30, 30/10/2018

  • Kiểm soát điều chỉnh quy hoạch đô thị

    12:52, 29/08/2018

Ông Thanh cho rằng: “Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, tỷ lệ đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%".

Phát biểu về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) chỉ ra rằng, chất lượng quy hoạch đô thị hiện còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch. Ông cho rằng, tự tiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết sẽ làm tiêu cực các quy hoạch khác.

  Theo báo cáo kiểm toán sử dụng đất sau cổ phần hóa, hầu hết các khu đất doanh nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá.

Thực trạng quản lý chưa chặt chẽ, thiếu minh bạch khiến nhiều dự án ngang nhiên xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch. Điển hình như Đầm Bông, Đầm Sòi tại địa phân quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khu vực này được quy hoạch là đất cây xanh nhưng thực tế lại mọc lên các khu dân cư.

“Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư chấp hành quy hoạch, tại sao nó bị bẻ cong theo đề xuất các nhà đầu tư?”, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi.

Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết rà soát

Nhìn chung, mọi vấn đề lợi ích nhóm đều xuất phát từ sự lỏng lẻo trong quản lý, giám sát và thiếu minh bạch giữa cơ quan chức năng và chủ đầu tư. Giải đáp về các nguyên nhân dẫn đến bất cập trong quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, chủ yếu do phương pháp lỗi thời, tùy tiện vận dụng làm phá vỡ hệ thống. Hiện Bộ đang xem xét bãi bỏ giấy phép xây dựng, lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân có thể tra cứu, nắm bắt được thông tin, đồng thời là công cụ để giám sát việc thực hiện quy hoạch.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. Đặc biệt đối với các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư. Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Tay không thể vỗ bằng một bàn tay.

Nhiều ĐBQH bày tỏ, Quốc hội phải có nghị quyết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch.
Kỳ II: Giải pháp khả thi

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ I: Hạ tầng xã hội đảo lộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO