Cần "hệ sinh thái kinh tế ban đêm" cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Kịch bản hồi phục hậu đại dịch COVID-19 của nền kinh tế đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở thành động lực mạnh của nền kinh tế đêm.
Câu chuyện nghiên cứu, thúc đẩy kinh tế ban đêm, đặc biệt là kinh tế đêm gắn với các hoạt động du lịch vốn không quá xa lạ thời gian qua khi mà đã được nêu ra tại không ít diễn đàn và được cả Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ ngành nghiên cứu.
Cơ hội cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Rõ ràng, triển vọng của Kinh tế ban đêm là rất lớn như TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từng cho rằng nếu làm tốt có thể khiến GDP tăng được 5 đến 8 điểm phần trăm.
Thực tế tại các quốc gia có vị trí địa lý gần Việt Nam như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc cũng ghi nhận việc kinh tế đêm đóng góp to lớn cho kinh tế - văn hoá - du lịch với những bước chuyển mình mạnh mẽ của hàng loạt khu giải trí về đêm.
Trong kịch bản hồi phục hậu dịch COVID-19, nhiều chuyên gia nhận định ngành du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho du khách “được tiêu tiền” thông qua những trải nghiệm mới giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch.
Lời giải cho câu hỏi này chính là các hoạt động về đêm như tại đảo ngọc Phú Quốc thời điểm trước dịch bệnh ước tính mỗi ngày mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỷ đồng hay các điểm như phố đêm Bùi Viện (TP.HCM) hay Tạ Hiện (Hà Nội) luôn là địa điểm hấp dẫn đông đảo du khách đến chơi và tiêu tiền.
Nắm bắt xu thế này từ khá sớm, nhiều doanh nghiệp BĐS đã sớm phát triển các mô hình kinh doanh gắn với kinh tế đêm tại các dự án BĐS của mình. Có thể kể đến một số như tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng được phát triển định hướng gắn với nền kinh tế ban đêm như Novaworld, Thanh Long Bay (Bình Thuận), Grandworld (Phú Quốc), Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng… Đây đều là những điểm nhấn đáng chú ý về sự sôi động của các hoạt động du lịch về đêm.
Nói về xu thế này, ông Phùng Văn Năng - Cố vấn cao cấp HĐQT Tập đoàn Hưng Lộc Phát cho rằng kinh tế ban đêm tác động rất lớn đến thị trường bất động sản du lịch khi nó giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch, tạo cơ hội phát triển loại hình giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực, giải trí, cách hoạt động vui chơi.
"Doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch là người đang tạo ra “cuộc chơi”, từ hệ sinh thái, tiện ích để đáp ứng nhu cầu khách hàng đến các lễ hội, sự kiện, thu hút tất cả các khách tới tham dự" - ông Năng khẳng định.
Cần hành lang pháp lý để bứt phá
Với những triển vọng rất hứa hẹn nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia hiện những động lực mà kinh tế ban đêm mang lại cho ngành du lịch nói chung cũng như lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng du lịch nói riêng vẫn chưa đạt được kỳ vọng so với tiềm năng vốn có.
TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, hiện nay Việt Nam đang thiếu khuôn khổ pháp lý và còn sự dè dặt của cơ quan nhà nước và địa phương trong phát triển kinh tế ban đêm.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thanh Bình - Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) nhận định vấn đề cốt lõi là cơ quan quản lý phải tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng tốt để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế ban đêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Văn Năng cho rằng, các hoạt động ban đêm sau 0h thu hút khách trẻ nước ngoài, không thể áp đặt sau 0h bắt khách đi ngủ. Chúng ta cần tạo ra hệ sinh thái kinh tế ban đêm cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để thu hút khách hàng, nhà đầu tư, khách du lịch.
Những lo ngại về việc quản lý cũng như những hạn chế của hành lang pháp lý liên quan đang được xem là những trở lực đang kìm hãm sự phát triển nhanh và bền vững của cả nền kinh tế ban đêm cũng như của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch gắn với trọng tâm là nền kinh tế ban đêm.
Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng để kinh tế ban đêm có thể trở thành khu vực kinh tế hiện đại, có tính chuyên nghiệp cần thiết phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa một số tập đoàn BĐS lớn và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu khá nhiều quan điểm về việc để sớm có hành lang pháp lý tối ưu cho sự phát triển của nền kinh tế ban đêm bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về chính sách từ phía Chính phủ thì các cơ quan chức năng cũng cần tạo thêm cơ chế, đặc thù riêng.
Ở một góc nhìn khác, PGS. Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch nêu quan điểm cho rằng để quản lý được các hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều cách, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như một số nước trên thế giới. Như với Đà Nẵng có thể quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp đủ mọi dịch vụ về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý.
Để sớm phát triển ngành kinh tế đêm nhằm thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, thực tế đang đặt ra yêu cầu về việc cần sớm có một điều tra toàn diện, đa chiều về nền kinh tế ban đêm, đặc biệt là trong tương quan với các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng để từ đó sớm có những điều chỉnh nhằm tạo ra một hành lang chính sách, pháp lý tối ưu cho nền kinh tế về đêm phát triển nhanh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm