Được dự báo sẽ phục hồi chậm để đạt được "phong độ" như trước khi đại dịch xảy ra, thời điểm này các DN cần tận dụng và có các chiến lược thu hút nguồn khách du lịch nội địa nhằm vực dậy thị trường.
Việc cho phép mở lại một phần hoạt động kinh doanh của các nhà hàng và khách sạn trong những ngày gần đây được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình hồi phục tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng được dự đoán sẽ là một trong những ngành cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn hậu đại dịch COVID - 19.
Thực tế cho thấy ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện nay vẫn có tốc độ phục hồi khá chậm, các chủ khách sạn vẫn chưa thể định hình được tình hình hoạt động trong thời gian tới và bao lâu thì nguồn cầu mới quay trở lại mức trước đại dịch.
Trong giai đoạn này, phần lớn các nhà hàng và khách sạn đều áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần hoặc hoàn toàn hoạt động kinh doanh để cắt giảm chi phí, chỉ giữ lại các nhân sự chủ chốt cũng như chuẩn bị kế hoạch đi vào hoạt động trở lại. Những chiến lược này sẽ phần nào giúp bù đắp sự sụt giảm doanh thu trong ngắn hạn, tuy nhiên nguồn cầu trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi lớn cho các chủ khách sạn.
Trong ngắn hạn, khách du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ là phân khúc đầu tiên phục hồi trở lại. Thời điểm này, yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới, các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng.
Hình thức “Du lịch tại chỗ” - “Staycations” là một trong những ví dụ điển hình, theo đó các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích. Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa.
Chúng tôi hy vọng các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ như các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề. Các hình thức lưu trú như Airbnb cũng có thể đưa ra các gói trải nghiệm cho khách hàng như cung cấp đầu bếp riêng cho du khách.
Về chi phí hoạt động, trong ngắn hạn chủ đầu tư có thể cân nhắc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời và sử dụng quỹ dự phòng để giúp duy trì hoạt động kinh doanh, tuy nhiên trong dài hạn nếu nguồn cầu không hồi phục nhanh chóng thì việc trả các khoản nợ và chi phí thuê tài sản/ đất sẽ có tác động đáng kể, đăc biệt đối với các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà hàng và quán bar.
Riêng đối với phân khúc du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác - được dự kiến sẽ là một trong những phân khúc phục hồi sau cùng vì những hoạt động này thường đòi hỏi sự tập trung lượng lớn người tham dự.
Nguồn khách MICE nội địa dự kiến có thể phục hồi lại khi được Chính phủ cho phép. Các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn phải được áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của những buổi hội họp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản vì những buổi ra mắt dự án thường diễn ra với sự tham gia của một lượng lớn các khách hàng.
Do vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng các hình thức tổ chức sự kiện, hội thảo khác trong giai đoạn này cho đến khi việc tham gia vào những sự kiện đông người không còn là mối lo ngại và được Chính phủ cho phép.
Trước đây, sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 được kỳ vọng sẽ theo mô hình chữ V, điều này vốn phổ biến trong ngành Khách sạn và Du lịch, và đã từng diễn ra ở Việt Nam trước đó khi khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015 nhưng cả hai đều nhanh chóng phục hồi.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch COVID-19, dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng sáu tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ.
Có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phụ hồi sau đại dịch.
Có thể bạn quan tâm
08:04, 20/03/2020
05:00, 17/02/2020
16:01, 07/02/2020
06:00, 05/02/2020
06:15, 29/11/2019