Doanh nghiệp đề xuất được thuê mua nhà ở xã hội cho công nhân
Mới đây, Tập đoàn Foxconn đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng về việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Trong đó là các dự án: Dự án công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town với quy mô 9,9 ha gần KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng do công ty TNHH Fuchan đầu tư.
Dự án nhà ở xã hội Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, quy mô 16,7ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Fugiang. Và dự án nhà ở xã hội Golden Park gần KCN Quế Võ, Bắc Ninh do công ty TNHH MTV công trình Kim Xương Trí đầu tư. Dự án có quy mô 6,3 ha, tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn đầu tư 3 dự án trên lên tới gần 7.500 tỷ đồng. Được biết, các dự án trên đều gắn với 3 khu công nghiệp mà các công ty con của Foxconn đã rót vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, trong kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng và Chính phủ, Tập đoàn này cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân ở mà trong đó tại 3 dự án công ty con của đơn vị này đầu tư sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu ở cho công nhân của họ.
Đồng thời, Foxconn cho rằng, quy định trong vòng 20 ngày kể từ ngày được giao đất doanh nghiệp phải có danh sách người lao động mua nhà mới được hưởng các ưu đãi đất đai trong Nghị định 123 năm 2017 là không phù hợp. Do đó, đơn vị này kiến nghị Chính phủ sửa đổi nhằm tạo thuận lợi các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.
Theo một số chuyên gia, hệ thống quy định về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân đã có hành lang pháp lý đầy đủ tại Luật Nhà ở và Nghị định 100. Tuy nhiên, kết quả triển khai nhà ở cho công nhân chỉ mới đạt 28% so với nhu cầu 8,3 triệu m2.
Nút thắt tạo nên kết quả không mấy khả quan này là bởi vấn đề về nguồn vốn, quỹ đất sạch cho thị trường và một điểm nữa là vấn đề thu nhập của công nhân.
Theo ông Đỗ Đức Đạt - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ đô, sức mua và sức thuê lâu dài nhà ở xã hội của công nhân là rất thấp. Bởi tập tính sinh hoạt của công nhân không có tính gắn bó lâu dài tại khu công nghiệp. Do đó, dù đã xây dựng nhưng thực tế là một số nhà ở công nhân bán mãi không hết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, đó là tăng nguồn cung, Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở công nhân phù hợp.
"Có thể học tập, phát triển nhà ở cho công nhân theo mô hình condotel, cho phép các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính hạn chế có thể tham gia vào phát triển nhà ở cho công nhân. Ngoài nguồn thu từ việc cho thuê hàng tháng, các nhà đầu tư sơ cấp cũng có thể hưởng lợi nhờ bất động sản trong khu vực đó tăng giá" - ông Hà kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm