Bất động sản công nghiệp: "Dọn tổ đón đại bàng"

DIỆU HOA 20/06/2020 06:00

Hoàn thiện pháp lý, phát triển KCN sinh thái đảm bảo các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội đang là xu hướng và giải pháp để phát triển bất động sản công nghiệp một cách bền vững.

Khu công nghiệp sinh thái đảm bảo các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội đang là xu hướng và giải pháp để phát triển bất động sản công nghiệp một cách bền vững.

Tính đến cuối tháng 5 năm 2020, cả nước có 561 khu công nghiệp (KCN) bao gồm cả các KCN trong quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201 ngàn ha, chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản công nghiệp

Trong đó bao gồm: 374 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 ngàn ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch và 259 KCN chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 ngàn ha, bao gồm 55,8 ngàn ha của 187 KCN có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30,8 ngàn ha của 72 KCN mới thành lập một phần.

Theo Ths. Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về định hướng phát triển khu công nghiệp cần phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.

Bên cạnh đó, phải hình thành hệ thống khu công nghiệp nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Đồng thời, phát triển hệ thống KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, tiến tới cân bằng trong phát triển để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định.

“Đặc biệt phải thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; Đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN; Khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng và phát triển KCN” – ông Trung khẳng định.

Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch KCN, đổi mới mô hình KCN hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp đi đầu trong phát triển bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Thế Chinh – Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera - CTCP cho rằng, cần xem xét rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp, hiện nay là khoảng 2 năm thì sẽ mất rất nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đều cần sự hỗ trợ của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là điểm quyết định mấu chốt quyết định tiến độ của xây dựng hạ tầng.

“Ngoài ra, với những chủ đầu tư khu công nghiệp nên được chỉ định giao làm nhà ở cho công nhân mà không phải đấu thầu. Hiện nay đã có nghị định 100 về quản lý và xây dựng nhà ở xã hội, trong khi đó nhà ở cho công nhân thì vẫn có 3 đối tượng là chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản”- ông Chinh kiến nghị.

Vận hội mới từ Khu công nghiệp sinh thái

Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, chuẩn bị “đất sạch”, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái cũng là một trong những yếu tố để phát triển bất động sản công nghiệp một cách bền vững.

Theo đó, lợi ích của khu công nghiệp sinh thái tóm gọn trong 3 khía cạnh chính: kinh tế, môi trường, xã hội.

Trước hết về môi trường, đầu tư về giải pháp sinh thái giúp giảm được chất thải ra môi trường. Phát triển theo hướng sinh thái tạo môi trường tốt hơn cho người lao động, tăng năng suất, tạo việc làm mới, dịch vụ mới. 

Trung Quốc từng khủng hoảng với vấn đề môi trường bởi sự phát triển nhanh chóng, ồ ạt của các khu công nghiệp. Từ bài học đó, vấn đề môi trường có thể nói là mấu chốt của sự bền vững của các khu công nghiệp và giữ chân sự chuyển dịch nguồn cung ứng toàn cầu.

Khu công nghiệp sinh thái sẽ như một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ở đó sẽ có doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm, có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, đảm bảo vấn đề nhà ở cho công nhân rất quan trọng để họ an cư, đảm bảo an sinh xã hội để công nhân yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, để các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng kết hợp nhà ở cho công nhân thì giá thành sẽ rẻ hơn rất là nhiều.

Theo ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm CLB ban quản lý các KCN, KKT, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. “Chính vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư”- ông Phương nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • CenLand tận dụng cơ hội vàng vào bất động sản công nghiệp

    CenLand tận dụng cơ hội vàng vào bất động sản công nghiệp

    15:36, 17/06/2020

  • Thời cơ “vàng” cho bất động sản công nghiệp

    Thời cơ “vàng” cho bất động sản công nghiệp

    17:02, 28/05/2020

  • Triển vọng sáng nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp

    Triển vọng sáng nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp

    11:13, 20/08/2019

  • Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA

    Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA

    15:10, 26/07/2019

  • Động lực cho bất động sản công nghiệp \'bứt phá\'

    Động lực cho bất động sản công nghiệp \'bứt phá\'

    10:24, 01/11/2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất động sản công nghiệp: "Dọn tổ đón đại bàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO