Bất động sản Hải Phòng còn nhiều dư địa phát triển
Những điều chỉnh qui hoạch chung TP Hải Phòng tầm nhìn 2050 cho thấy, tiềm năng thị trường bất động sản nhìn từ quy hoạch phát triển hạ tầng và kinh tế Hải Phòng trong thời gian tới là rất lớn.
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng đã khẳng định mục tiêu phát triển bền vững thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại đạt trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.
Quy mô mở rộng lớn
Trong đó, xây dựng không gian thành phố cảng Hải Phòng “xanh, thông minh, cạnh tranh” và là những cửa ngõ hàng đầu về hàng hải, văn hóa du lịch, trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước. Thành phố có môi trường sống chất lượng cao, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự báo, đến năm 2050, quy mô dân số TP Hải Phòng sẽ đạt khoảng khoảng 5 - 5,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 94%. Theo đó, đất xây dựng đô thị tập trung khoảng 68.000- 70.000ha, chỉ tiêu: 145-147.000 m2/người; đất dân dụng (đa chức năng) khoảng 28.000-29.000 ha, chỉ tiêu khoảng 58-60 m2/người.
Để làm được điều đó, Hải Phòng sẽ tiến hành phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm gồm hai vành đai kinh tế, ba hành lang cảnh quan, ba đô thị trọng điểm và các đô thị nhỏ.
Cụ thể đó là hai vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) nhằm khai thác quỹ đất phát triển công nghiệp, kết nối mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng với cảng Lạch Huyện. Vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra “vịnh Hải Phòng” kết hợp bảo vệ môi trường biển.
Hải Phòng sẽ phát triển ba dải hành lang đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc, ở giữa dải đô thị là không gian mở xanh tạo nên môi trường sống tốt nhất và tăng khả năng tiếp cận giữa khu ở với khu sản xuất.
Bên cạnh đó, 3 cụm đô thị trọng điểm là Trung tâm đô thị lịch sử (thuộc quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Đô thị hàng hải tại Dương Kinh và Hải An; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Ba cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển.
Đặc biệt, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phần nào tác động đến sự phát triển của bất động sản Hải Phòng. Dự báo quy mô cụm công nghiệp tại Hải Phòng đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 13.000- 13.500 ha (tăng khoảng 2.200 - 2300 ha so với hiện trạng ); năm 2035 khoảng 18.000-20.000ha; đến năm 2050 sẽ là khoảng 23.000ha.
Các cảng biển, khu công nghiệp cũng sẽ được mở rộng, bổ sung, đơn cử như bổ sung thêm các khu công nghiệp Đảo cái Tráp, Lạch Huyện mở rộng, KCN Nam sông Giá, KCN Bến Rừng; bổ sung KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; KCN thị trấn Vĩnh Bảo, KCN Tam Cường - Vĩnh Bảo, công nghiệp sân bay Tiên Lãng.
Bất động sản nghỉ dưỡng hưởng lợi từ du lịch
Ngoài ra, về định hướng phân bố không gian du lịch, đến năm 2025 lượng khách du lịch dự báo khoảng 20 triệu lượt khách (trong đó 2,7 triệu lượt khách quốc tế). Đến năm 2035 lượng khách du lịch dự báo khoảng 35 triệu lượt khách (trong đó 10 triệu lượt khách quốc tế)
Tại Đồ Sơn, không gian du lịch - dịch vụ được mở rộng từ 91 ha theo quy hoạch kỳ trước lên thành 902 ha, đảm bảo đủ quỹ đất để phát triển thành trung tâm du lịch với thể thao vui chơi giải trí, tín ngưỡng và tham dự các lễ hội vùng biển độc đáo như Lễ hội chọi trâu; du lịch nghỉ dưỡng thể thao dưới nước, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...). Đây là điểm đầu mối, cơ sở hậu cần cho tuyến du lịch Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long.
Tại Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vĩ sẽ có khoảng 900 ha đất dành cho phát triển du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái. Khu vực này là trung tâm du lịch với biển và đảo, tham quan vịnh, vũng, hệ thống hang động, di chỉ khảo cổ; tìm hiểu các giá trị sinh thái, sinh học và cảnh quan ở Khu dự trữ sinh quyển; du lịch nghỉ dưỡng...
Khu phố Pháp phát triển du lịch với di sản văn hoá và đặc trưng đô thị biển, dựa vào tài nguyên du lịch khu phố cũ, công trình kiến trúc thời Pháp và các di tích chùa Dư Hàng, đình Hàng Kênh, đền Nghè, cảnh quan Tam Bạc, công viên Văn hóa trung tâm, Bến Bính.
Hải Phòng định hướng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp; đồng thời phát triển du lịch đường thủy trên các sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Bạch Đằng, Thái Bình, Giá, và xây dựng bến tàu thuỷ quốc tế ở đảo Cát Hải, Nam cảng Đình Vũ hoặc Đồ Sơn.
Những điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải phòng đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 nêu trên cho thấy "Tiềm năng thị trường bất động sản nhìn từ quy hoạch phát triển hạ tầng và kinh tế Hải Phòng thời gian tới" là rất lớn với nhiều loại hình bất động sản như đất ở, đất công nghiệp, đất du lịch..... cho các nhà đầu tư lạc quan, tin tưởng vào thị trường bất động sản Hải Phòng.
Có thể bạn quan tâm