Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ VI): Kinh nghiệm thế giới và lời cảnh tỉnh đô thị ven sông

DIỆU HOA 28/08/2020 15:00

Việc UBND TP Hà Nội tái khởi động quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được kì vọng sẽ mở đường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội góp vốn hàng tỷ USD để phát triển hạ tầng 2 bên bờ sông.

 Để cải tạo, xây dựng thành phố bên sông, Hàn Quốc đã dành một không gian lớn cho bảo tồn tự nhiên và công viên sinh thái ở khu vực bờ sông Hàn.

Để cải tạo, xây dựng thành phố bên sông, Hàn Quốc đã dành một không gian lớn cho bảo tồn tự nhiên và công viên sinh thái ở khu vực bờ sông Hàn.

Theo nguyên lý xưa “nhất cận thị, nhị cận giang”, chính vì vậy, các đô thị lớn phát triển qua nhiều thế kỉ thường phải dựa rất nhiều vào những con sông. Nhật Bản và Hàn Quốc đã trải qua một quá trình đầu tư, xây dựng đề đưa những khu đô thị ven sông thành điểm nhấn của kiến trúc, văn hóa, du lịch và gia tăng chất lượng sống cho người dân.

Không xây quá nhiều cao tầng 2 bên bờ

Những nghiên cứu về sông Hồng của người Pháp trong 150 năm qua chỉ ra rằng, sông Hồng là con sông có dòng chảy không ổn định, với 3 thế dòng chảy biến đổi theo thời gian, tạo nên hiện tượng bên lở, bên bồi hai bờ sông.

Nếu như trước đây, bản quy hoạch chỉ tính 40 km sông Hồng chạy qua nội đô Hà Nội, thì nay đã tăng lên 120 km, tính cả các đoạn sông nằm ở khu vực ngoại thành.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, vị trí hai bên bờ sông rất đẹp, rất nhiều thành phố đã tận dụng hướng nhìn ra bờ sông, quy hoạch đô thị ven bờ.

Tuy nhiên, ông Phương cho biết, bởi dòng chảy không ổn định, do đó, những vùng đất bồi hai bên sông Hồng rất yếu, cho nên không thể xây dựng quá nhiều tòa nhà trên đó. Nếu mật độ quá dày sẽ ảnh hưởng đến nền đất khu vực bờ sông và mất an toàn đê điều.

“Ở Châu Âu, thành phố Warsaw (thủ đô Ba Lan) có một con sông khá lớn như sông Hồng, họ đã từng kè sông để phát triển đô thị, nhưng bờ kè đó đã được tháo dỡ để con sông tự nhiên trở lại” – ông Phương lấy dẫn chứng.

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội nhìn từ trên cao

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội nhìn từ trên cao

Vị chuyên gia cũng lưu ý, sông Hồng có lưu lượng nước lớn và hung dữ, do đó cách tiếp cận đối với sông Hồng cũng phải khác với những con sông nằm trong đô thị trên thế giới. Do đó, các cơ quan cần đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế kết hợp quy hoạch và phải đặt mục đích chống lũ lên hàng đầu.

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương cho rằng nên cải tạo hai bên bờ sông Hồng thành các khu không gian công cộng, trở thành nơi vui chơi giải trí, du lịch, vừa góp phần bảo vệ nền văn hóa đã hình thành hàng nghìn năm nay hai bên bờ sông.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng dù không thể lấy hoàn toàn hệ quy chiếu, nhưng sự thành công trong quy hoạch thành phố hai bên sông của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… là minh chứng cho sự đúng đắn cho một đô thị ven sông.

Với sông Hàn, để đảm bảo chống lũ, đồng thời bảo vệ môi trường hai bên sông, Chính phủ Hàn Quốc đã không thực hiện xây bờ đá ở hai bên, khu vực rộng 200 - 500m tính từ mé nước được dành cho bảo tồn tự nhiên và công viên sinh thái, khu vực dân sinh 2 bên bờ sông phải xây cách mép sông từ 1 - 2km nhằm giảm thiểu tác động của con người đến bãi bồi hai bên bờ sông.

Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, sự thành công của quy hoạch đô thị ven sông Hàn đến từ nhiều yếu tố, tuy nhiên quan trọng nhất đó là định hướng gần gũi môi trường tự nhiên và nỗ lực giảm thiểu tác động của cao ốc ven sông.

Đồng bộ hạ tầng trung tâm thành phố

Tương tự, tại Nhật Bản, mô hình trung tâm kinh doanh Minato Mirai 21 nằm ở cửa ngõ sông đổ ra biển với lịch sử bị hàng loạt bến tàu, cảng lớn chiếm cứ. Năm 1981, Nhật Bản tiến hành cải tạo, di dời tất cả các cơ sở bến tàu, xây dựng hàng loạt công viên ven sông, kết hợp phát triển các tòa nhà cao tầng hiện đại.

Ngoài ra, quốc gia này cũng tiến hành xây dựng giao thông đồng bộ, kết nối Minato Mirai 21 với các phố cổ lân cận, phục vụ du lịch, "lột xác" biến Minato Mirai 21 trở thành trung tâm đô thị hiện đại bậc nhất cả nước, đồng thời giữ nguyên khu phố cổ lân cận.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một thành phố ven sông muốn phát triển cần có sự gắn kết mật thiết, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với nội đô. Giải quyết các vấn đề đi lại, di chuyển của người dân mới có thể thu hút được cư dân định cư tại các thành phố ven sông.

Ngoài ra, một số phương án đề xuất xây đê kết hợp với đường, tạo thành 2 con đường ven bờ sông, giảm ùn tắc giao thông và kết nối với các cây cầu bắc qua sông hiện tại và trong tương lai, kết nối với các bãi nổi để sau này trở thành khu du lịch sinh thái trên bãi nổi.

“Chung quy lại, các đô thị ven sông Hồng không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở mà quan trọng hơn là phải tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch và kết nối với hạ tầng thủ đô” – KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • “Khơi dậy” đô thị ven sông Cổ Cò

    “Khơi dậy” đô thị ven sông Cổ Cò

    06:00, 22/02/2020

  • Dự án đô thị ven sông Hồng: 3 yêu cầu cơ bản để khai thác hiệu quả

    Dự án đô thị ven sông Hồng: 3 yêu cầu cơ bản để khai thác hiệu quả

    07:08, 28/01/2019

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ V): Quy hoạch chờ quy hoạch

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ V): Quy hoạch chờ quy hoạch

    17:30, 27/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ IV): Đa dạng hóa công năng đô thị

    11:05, 26/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp

    05:00, 25/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II):

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): "Phá băng" sự trì trệ

    08:30, 24/08/2020

  • Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng

    Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng

    05:00, 24/08/2020

DIỆU HOA