Hà Nội siết chặt quản lý condotel, officetel
UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 4088/UBND-ĐT về việc tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (villa), văn phòng kết hợp du lịch (officetel).
UBND TP Hà Nội giao các sở ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của trung ương về vấn đề này. Đồng thời, các đơn vị phải rà soát theo các lĩnh vực quản lý, nhiệm vụ được giao, kịp thời tham mưu, đề xuất các nội dung về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị, sử dụng đất đai để báo cáo về UBND TP.
Quản chặt condotel, officetel
TP Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở TN&MT triển khai theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại văn bản số 703/BTNMT ban hành ngày 14/2/2020 và các hướng dẫn khác để chủ trì trong việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở có đủ điều kiện được chuyển nhượng.
Sở TN&MT cũng đồng thời rà soát lại các dự án đầu tư đã được phê duyệt và giao đất, cho thuê đất, xác định mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất đối với các dự án đủ điều kiện.
TP giao Sở KH&ĐT kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư xây dựng đa công năng như: officetel, condotel, villa. "Kiểm soát chặt chẽ các dự án đề xuất chuyển đổi các chức năng không phải nhà ở thành nhà ở trên địa bàn thành phố" - văn bản UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng kiểm soát, quản lý các công trình xây dựng, công tác thẩm định thiết kế, thi công, hoạt động xây dựng của các chủ đầu tư, đảm bảo chức năng sử dụng công trình.
TP cũng yêu cầu "quản chặt" việc điều chỉnh giấy phép xây dựng, rà soát việc chuyển đổi công năng thành nhà ở của các dự án thương mại dịch vụ nói chung và các công trình condotel, officetel nói riêng trên địa bàn TP. Ngăn chặn và đề xuất kịp thời các sai phạm trong quá trình các chủ đầu tư thi công.
Sở Du lịch tổ chức kiểm tra các hoạt động kinh doanh loại hình condotel,officetel, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động kinh doanh trái phép.
Không hợp thức hóa thành nhà ở
Trước đó, hồi tháng 7, Bộ Công an đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra, xử lý sai phạm trong đầu tư condotel, officetel, villa resort tại các địa phương. Trong đó, Bộ Công an cho rằng trước mắt, không phát triển thêm các dự án condotel, tourist villa và officetel, không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.
Theo Bộ Công an, dù các bộ ngành cho rằng đã đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng nêu trên nhưng thực tế việc đầu tư, xây dựng, quản lý các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa giải quyết được.
Cũng theo Bộ Công an, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho từng người mua trong dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong quản lý vận hành tòa nhà, quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ; quản lý, thu hồi dự án khu hết thời hạn sử dụng đất của dự án.
Đầu tháng 8/2020, Bộ Xây dựng cũng đã cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, việc xây dựng Nghị định cho loại hình officetel chưa có cơ sở vì bản chất Nghị định là các văn bản hướng dẫn luật. Trong khi đó, khái niệm officetel không nằm trong hệ thống pháp luật.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, Bộ Xây dựng nên có đề án về quản lý vận hành loại hình này. Đồng thời, vị luật sư cũng cho rằng, condotel, officetel đang vướng vào vấn đề quy hoạch và góc độ của cư trú. Quy hoạch của Nhà nước xác định đâu là văn phòng, đâu là nhà ở và có sự tính toán kỹ lưỡng về mặt hạ tầng, giao thông, chức năng của đất.
"Việc ghép “văn phòng” với “nhà ở” đã khiến loại hình này gặp vướng mắc về mặt cư trú dân cư vì thực tế người ta chỉ làm việc 8 tiếng ban ngày rồi trở về. Trên góc độ của chủ đầu tư, rõ ràng, họ cần lợi nhuận vì việc chào bán một officetel có giá trị hơn so với thuê" - LS. Trương Anh Tú nhận định.
Có thể bạn quan tâm