Cảnh báo tái diễn dự án ma

THIÊN BÌNH 22/09/2020 08:30

UBND Quận 10, TP.HCM vừa cảnh báo về một dự án ma có tên là Lega Fashion nằm trên đường Ba Tháng Hai được chào bán giá 55 triệu đồng/m2.

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin về dự án đất nền nhà phố mặt tiền đường Ba Tháng Hai được đăng tải bởi trang facebook cá nhân có tên "Đất Vàng LeGa Fashion Q10".

Phối cảnh dự án

Phối cảnh dự án "ma" có tên LeGa Fashion được trang Facebook "Đất Vàng LeGa Fashion Q10" chào hàng và bị UBND Quận 10 cảnh báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Nở rộ dự án ma

Trang mạng này đăng thông tin “Khai trương Dự án đất nền nhà phố - mặt tiền đường Ba Tháng Hai Quận 10 - Giá chỉ từ 55 triệu/m2; Cuộc sống xanh giữa lòng đô thị; Cơ hội đầu tư sinh lời cực cao - an cư lạc nghiệp cực tốt; mở bán 1 đợt duy nhất 50 nền; Sổ hồng riêng - hỗ trợ thủ tục công chứng sang tên sổ”, đính kèm hình ảnh khu đất tại số 502 (số cũ 106) đường Ba Tháng Hai, phường 14, quận 10.

Về dự án này, UBND Quận 10 cho biết quận chưa nhận được hồ sơ pháp lý để thực hiện dự án. Theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và Tài sản khác gắn liền với đất số BB971036 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 6/8/2010 cho Công ty CP Giầy da và May mặc xuất khẩu LEGAMEX, lô đất trên được sử dụng vào mục đích đất cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, theo Quyết định ban hành ngày 19/8/2013 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư phường 14, quận 10, khu đất này là đất thương mại dịch vụ.

Do đó, UBND quận 10 cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, tránh mua bán, đầu tư, sang nhượng để bị thiệt hại về tài sản. Quận 10 cũng dựng biển cảnh báo, tiến hành kiểm tra việc rao bán, quảng cáo đất nền theo đúng quy định của pháp luật.

ác dự án “ma” trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Một dự án “ma” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được chính quyền địa phương cảnh báo

Trước đó, UBND quận 10 cũng đã cảnh báo dự án nhà ở tại số 332 Tô Hiến Thành, phường 14 được đầu tư bởi Công ty CP Thương mại đầu tư VIMEC. Văn bản chấp thuận đầu tư đã hết hạn thực hiện từ năm 2016, tức dự án không thể đem ra giao dịch nhưng gần đây đã xuất hiện thông tin rao bán trên mạng về một siêu dự án tại 322 Tô Hiến Thành với giá khá rẻ, sổ hồng từng nền...

Tại vùng ven TP.HCM, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng trăm biển quảng cáo bán đất nền dự án được dựng lên rất hoành tráng, trong đó hầu hết đều khẳng định đã được chính quyền địa phương cấp phép đầy đủ. Bên cạnh đó, vô số các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, quay số trúng thưởng nếu khách hàng đặt cọc mua ngay. Tuy nhiên, theo đại diện chính quyền thì "hiện tại nhiều dự án chưa được cấp phép theo quy định của pháp luật”.

Thiết lập hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch mới

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, các dự án “ma” tập trung nhiều tại vùng ven TP.HCM và một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn. 

Thủ đoạn của các dự án “ma” là các đối tượng lừa đảo tìm nhiều khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mỹ miều. Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền. Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do hám rẻ đã vội vàng xuống tiền.

Giải pháp trị tình trạng dự án ma, theo ông Lê Hoàng Châu, trước tiên là chính quyền các phường, xã, quận, huyện… cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân. Tiếp đến là các phương tiện thông tin đại chúng cần truyền thông kịp thời khi phát hiện những dự án sai phạm để cảnh báo người dân.

Một biện pháp mạnh đang được một số chính quyền địa phương áp dụng là cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.

“Người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán bất động sản. Trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải trình báo cơ quan chức năng sớm nhất hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Châu nói.

UBND TP.HCM mới đây đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải công khai thông tin quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở; những dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, dự án đủ điều kiện kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai…

Các thông tin phải được cung cấp trên cổng thông tin điện tử của chủ đầu tư, tại các quận, huyện và cho người dân khi họ có yêu cầu. Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện công bố công khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. Điều này nhằm giúp người dân nắm thông tin mua BĐS chính thống, tránh mua phải những dự án ma. 

 Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: Dự án ma “hô biến” hàng trăm bìa đất rừng

    Thanh Hóa: Dự án ma “hô biến” hàng trăm bìa đất rừng

    04:30, 22/07/2020

  • Siết đất nền để triệt “dự án ma”

    Siết đất nền để triệt “dự án ma”

    21:57, 16/06/2020

  • Hà Nội: Hạ tầng phát triển mạnh sẽ xoá bỏ các dự án ma

    Hà Nội: Hạ tầng phát triển mạnh sẽ xoá bỏ các dự án ma

    11:00, 08/01/2020

  • Khách hàng kêu cứu vì sập bẫy dự án ma

    Khách hàng kêu cứu vì sập bẫy dự án ma

    06:30, 25/12/2019

  • Tránh sập bẫy

    Tránh sập bẫy "dự án ma"

    14:12, 04/12/2019

  • Vì sao khách hàng liên tiếp “sập bẫy” các dự án ma?

    Vì sao khách hàng liên tiếp “sập bẫy” các dự án ma?

    14:36, 04/11/2019

THIÊN BÌNH