Thanh Hóa: Dự án ma “hô biến” hàng trăm bìa đất rừng

KIỀU PHIÊN 22/07/2020 04:30

Năm 2009, Dự án mang tên "Bảo vệ rừng toàn cầu" được tuyên truyền phổ biến đến người dân xã Xuân Cẩm, thu hồi 298 bìa đất rừng và sau 11 năm dự án vẫn lặn tăm cùng với bìa đỏ của dân.

Năm 2009, theo thông tin vận động của chính quyền địa phương và doanh nghiệp người dân xã Xuân Cẩm (nay là Thị Trấn Thường Xuân) đã giao nộp bìa đất cho Nhà nước để làm dự án. Sau khi vận động người dân đã giao đất, giao rừng nộp 298 bìa đất để xây dựng dự án. Thế nhưng 11 năm qua cả dự án cùng với bìa đất của dân đều được “hô biến” một cách bí ẩn.

“Dự án ma” đội lốt bảo vệ rừng toàn cầu

Theo thông tin của người dân xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân, Thanh Hóa) năm 2009, UBND xã có thông báo xuống thôn về việc giao đất giao rừng để làm dự án "Bảo vệ rừng toàn cầu". Khi đó có người của doanh nghiệp và UBND xã có xuống vận động người dân, công ty sẽ hỗ trợ 250.000 đồng/ha. Khi đầu thông báo chỉ thu bản photo công chứng bìa đỏ. Nhưng sau đó lại thông báo thu bìa gốc. Cụ thể khi đó người dân Xuân Cẩm cũ đã bàn giao và nộp lại cho chính quyền là 298 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp của các hộ gia đình trên địa bàn để giao cho công ty thiết lập dự án.

Từ đó đến nay, người dân không thấy dự án nào được triển khai mà mới tá hỏa phát hiện bìa đất của mình cũng bị “hô biến” và không biết đã đi đâu.

Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Lương Văn Hợi, Trưởng thôn Tiến Sơn 1, thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: năm 2009, UBND xã Xuân Cẩm (cũ) có công văn thu GCNQSDĐ bản phô tô công chứng. Sau đó, xã tiến hành thu GCNQSDĐ. Còn một số hộ đi làm ăn xa và một số hộ thế chấp GCNQSDĐ ở ngân hàng nên còn giữ lại được. Thôn đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, sự việc đã hơn 10 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Việc mất GCNQSDĐ lâm nghiệp đã gây không ít khó khăn, hệ lụy cho bà con nhân dân.

Ông Lương Văn Hợi, Trưởng thôn Tiến Sơn 1

Ông Lương Văn Hợi, Trưởng thôn Tiến Sơn 1 trao đổi với phóng viên

“Khi nghe nói thu GCNQSDĐ để làm dự án dân cũng tự giác. Họ nói lấy bìa đỏ sẽ hỗ trợ cho 1 ha là 250.000 đồng, tuy nhiên, sau đó thì mất luôn. Chúng tôi cũng đề nghị, kiến nghị nhiều lần rồi. Có đất nhưng không biết ranh giới, muốn giao dịch với ngân hàng cũng không được... Tại thôn Tiến Sơn 1 có tổng hơn 700 ha đất rừng hiện do thôn quản lý. Tuy nhiên, do người dân bị mất GCNQSDĐ nên công tác quản lý, phòng cháy, chữa cháy, công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn", ông Hợi cho biết thêm.

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi

Qua tìm hiểu được biết, đến đầu năm 2015, UBND xã Xuân Cẩm (cũ) được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo bàn giao lại 63 GCNQSDĐ lâm nghiệp của các hộ gia đình trên địa bàn, riêng thôn Tiến Sơn 1 là 46 bìa. Còn lại 235 GCNQSDĐ lâm nghiệp của các gia đình vẫn bặt vô âm tín. Vụ việc kéo dài 11 năm chưa được giải quyết dứt điểm khiến hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn xã Xuân Cẩm (cũ) gặp không ít khó khăn.

Ông Hà Văn Sao, thôn Tiến Sơn 1 cho biết, 11 năm trước, xã thông báo về thôn, thôn thông báo cho nhân dân phô tô GCNQSDĐ có công chứng của xã để làm chế độ bảo vệ rừng cho nhân dân. Sau một thời gian ngắn, xã lại thông báo tập trung GCNQSDĐ về xã để kiểm tra, đối chiếu lại diện tích. Từ đó, bìa đỏ của gia đình tôi cùng nhiều hộ khác đi đâu không ai biết.

Tương tự, theo ông Vi Văn Núi, người dân thôn Tiến Sơn 1: "GCNQSDĐ của gia đình tôi cũng nộp cho xã nghe bảo nộp để làm dự án bảo vệ rừng và sẽ nhận hỗ trợ 250.000 đồng/ha. Từ đó đến nay chúng tôi chưa nhận lại được bìa đỏ nên người dân không dám sản xuất trên đất nhà mình vì ranh giới không rõ rang dễ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp…".

Danh

Danh sách 46 hộ thôn Tiến Sơn 1, nhận lại được bìa đỏ năm 2015

Làm việc với PV, ông Hà Huy Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân cho biết: Lợi dụng chủ trương của Nhà nước về trồng rừng, năm 2009 trên địa bàn xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn huyện Thường Xuân), một số doanh nghiệp đến phối hợp với địa phương để lập đề án, dự án để thu gom sổ đỏ. Sau này khi người dân báo cáo lên cơ quan cấp trên về tình trạng “biến mất” của dự án và công ty cùng 298 GCNQSDĐ mới phát hiện những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa, công an huyện Thường Xuân vào cuộc điều tra và đã thu hồi được 63 GCNQSDĐ lâm nghiệp giao lại cho người dân, số còn lại là 235 GCNQSDĐ đến nay không biết đang ở đâu.

Còn theo ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa): "Vụ việc đã được báo cáo cụ thể, rõ ràng với các cấp, cơ quan công an cũng đang điều tra, xác minh vụ việc nhưng chưa có kết luận điều tra. Để làm cơ sở xem xét việc cấp lại 235 GCNQSDĐ lâm nghiệp phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Chúng tôi cũng mong sớm giải quyết để nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế".

Có thể bạn quan tâm

  • Thường Xuân (Thanh Hóa): Rừng Xuân Lẹ tiếp tục “chảy máu”

    Thường Xuân (Thanh Hóa): Rừng Xuân Lẹ tiếp tục “chảy máu”

    04:50, 04/07/2020

  • Thường Xuân (Thanh Hóa): Nhiều cán bộ “lọt” trong danh sách

    Thường Xuân (Thanh Hóa): Nhiều cán bộ “lọt” trong danh sách "giảm nghèo nhanh và bền vững"

    05:30, 25/05/2020

  • Thường Xuân (Thanh Hóa): Thôn tự lập “BOT ngầm” thu phí xe tải chạy qua đường

    Thường Xuân (Thanh Hóa): Thôn tự lập “BOT ngầm” thu phí xe tải chạy qua đường

    11:05, 20/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Dự án ma “hô biến” hàng trăm bìa đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO