Doanh nghiệp ngành nhôm khó tiếp cận gói hỗ trợ dịch COVID-19

LÊ SÁNG 25/09/2020 15:30

Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn có một số tồn tại đang “làm khó” các doanh nghiệp nhôm trong nước.

Ngành nhôm trong nước đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng lực sản xuất và công nghệ. Ảnh: Nhà máy sản xuất sản phẩm nhôm của Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp

Ngành nhôm trong nước đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng lực sản xuất và công nghệ. Ảnh: Nhà máy sản xuất sản phẩm nhôm của Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp.

Ngành nhôm đối mặt nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa cho ngành Nhôm và cả nền kinh tế thế giới nói chung; gây ra thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp đặc biệt trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi trở lại từ cuối quý II đến nay, song vẫn tồn tại nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, theo số liệu VAA công bố tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 ước tính sản lượng 6 tháng đầu năm 2020 của ngành nhôm trong nước đạt 280.000 tấn, giảm khoảng 40% (tương đương khoảng 150.000 tấn) so với sản lượng trung bình năm 2019. Thời kỳ cao điểm dịch, hầu hết các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, nhu cầu nhôm xây dựng giảm mạnh khiến cho lượng hàng tồn kho ở các nhà máy còn rất lớn. Cao điểm vào đầu tháng 5/2020, lượng hàng tồn kho khoảng 62.000 tấn, tương đương 4.380 tỷ đồng.

Theo VAA, trong thời kỳ cao điểm dịch bệnh, số việc làm bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên đến 40% tương đương khoảng 14.000 việc làm bị cắt giảm. Thu nhập người lao động giảm 30-50%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân. Nhiều công nhân phải nghỉ việc để tìm việc làm mới, gây xáo trộn thị trường lao động.

Theo ông Kế, hiện nay vẫn có một số tồn tại đang “làm khó” các doanh nghiệp nhôm trong nước như việc tiếp cận được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ lãi suất cho vay hầu như các doanh nghiệp chưa tiếp cận được khi đến nay toàn Hội mới có 01 doanh nghiệp được giảm 0,002% lãi suất trong 02 tháng với mức giảm tương ứng là 400 ngàn đồng.

Doanh nghiệp cùng nhau gỡ khó

Trong bối cảnh thị trường gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp ngành nhôm trong nước đã tích cực chủ động đối phó, tập hợp thành lập Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam - VAA (chính thức hoạt động từ 1/8/2019). Đến nay VAA đã có hơn 40 doanh nghiệp thành viên với sản lượng chiếm khoảng 65% tổng sản lượng nhôm định hình trên cả nước.

Sau khi thành lập VAA đã xúc tiến kiến nghị tích cực để Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế trong khoảng từ 2,49% đến 35,58% từ ngày 28/9/2019.

Sau 1 năm thành lập, VAA đã có hơn 40 hội viên trong cả nước. Ảnh. Lê Sáng

Sau 1 năm thành lập, VAA đã có hơn 40 hội viên trong cả nước. Ảnh. Lê Sáng

Ông Nguyễn Minh Kế cho biết, thời gian tới trong bối cảnh mới, VAA sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành nhôm nhằm kiến nghị về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau đợt dịch bệnh; thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đối với bản thân các doanh nghiệp, ông Kế cho rằng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm sản lượng nhiều tháng để tiêu thụ hàng tồn kho, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa hồi phục; thực hiện các giải pháp kích cầu để tăng sức tiêu thụ cho thị trường trong nước, tăng cường quảng bá giới thiệu ưu điểm, xu hướng sử dụng nhôm trong xây dựng, nội thất so với vật liệu khác như sắt, thép, gỗ, thạch cao…; duy trì và tìm kiếm thị trường xuất khẩu; cắt giảm số việc làm, duy trì lượng lao động tối thiểu để duy trì hoạt động cần thiết.

Đối với nạn hàng lậu, hàng giả, VAA sẽ tiếp tục có kiến nghị tới Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính nhằm tăng cường kiểm soát nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính phát triển.

Trong năm 2021, VAA sẽ phối hợp với tham tán thương mại các nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức trong nước để tham gia triển lãm, hội chợ để trưng bày và giới thiệu về các sản phẩm, thành tựu của ngành công nghiệp Nhôm Việt Nam nhằm tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có chính sách hỗ trợ cho ngành nhôm Việt Nam

    Cần có chính sách hỗ trợ cho ngành nhôm Việt Nam

    10:31, 04/10/2019

  • Doanh nghiệp ngành nhôm Việt nỗ lực

    Doanh nghiệp ngành nhôm Việt nỗ lực "tự cứu mình"

    08:00, 07/06/2019

  • Phía sau thành công của một “nữ tướng” ngành nhôm

    Phía sau thành công của một “nữ tướng” ngành nhôm

    12:30, 08/03/2019

  • Quan hệ Mỹ-Trung “rạn nứt” đến mức nào?

    Quan hệ Mỹ-Trung “rạn nứt” đến mức nào?

    05:00, 25/09/2020

  • Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?

    Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?

    06:00, 27/08/2020

LÊ SÁNG