Gần đây, câu hỏi “tiền nhiều để làm gì” của một vị doanh nhân được xem có là tiếng tăm của Việt Nam dường như đang tạo ra cả một làn sóng về việc xác định đâu là “chân giá trị” của việc kinh doanh, làm giàu hay định nghĩa một cách dân dã hơn là kiếm tiền.

Đối với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung, “nữ tướng” của Nam Hải Group, một doanh nghiệp “thuần” Việt chuyên về nhôm xây dựng có quy mô lọt top 5 cả nước thì kinh doanh, lăn lộn với thương trường không chỉ để làm giàu mà còn vì sự trăn trở xuất phát từ niềm tự tôn dân tộc.

Không thể thua ngay trên sân nhà

Khởi sự kinh doanh từ năm 1992 khi nhận thấy thị trường bất động sản bắt đầu phát triển tất yếu sẽ “có cửa” cho một loại vật liệu hiện đại là nhôm xây dựng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung khi đó khởi nghiệp với niềm khao khát đơn giản là để làm giàu chính đáng.

Trong bối cảnh của những năm 90 của thế kỷ trước, một người phụ nữ mở ra một doanh nghiệp đã là hiếm, lại trong lĩnh vực vốn mặc định được gắn với phái mạnh là vật liệu xây dựng, kinh nghiệm không có, “vốn mỏng, sức hèn” nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung đã phải “gồng mình” vượt lên cả nghìn khó khăn, thử thách để đứa con “đầu lòng” khi đó là doanh nghiệp tư nhân Nam Hải (tiền thân của Nam Hải Group) “sống” được và lớn lên.

Vượt lên những khó khăn và từng bước trưởng thành, Nam Hải đã có thể bắt tay được với những “người khổng lồ” và trở thành nhà phân phối hàng đầu của các doanh nghiệp nhôm hàng đầu thế giới tại Việt Nam với thị phần lớn thông qua hàng trăm đại lý khắp cả nước.

Tuy nhiên, “trời không chiều lòng người”, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung kể về việc khi mọi thứ tưởng chừng đang rất ổn thì bỗng nhiên bị đối tác ngoại là các nhà sản xuất quay lưng, quen thị trường, các đối tác này “vượt mặt” nhà phân phối, trực tiếp nhảy vào thị trường thông qua chính những đại lý phân phối mà Nam Hải đã dày công gây dựng để trực tiếp bán sản phẩm.

Với quyết tâm không thể thua trên sân nhà, đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế những năm 2010-2011, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung đã một lần nữa "tất tay khởi nghiệp” gom góp tất cả những gì đã dành dụm được sau nhiều năm làm nhà phân phối để đầu tư sản xuất.

Trong tình thế cấp bách, nếu đầu tư nhà máy từ đầu thì phải mất đến 2-3 năm mới có thể vận hành cho ra sản phẩm, trong “thế bí” nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung đã có phần “gặp may” khi mua lại được nhà xưởng của công ty Cáp Thăng Long và thành lập Công ty Cổ phần EuroHa chuyên sản xuất nhôm.

Tuy nhiên, niềm vui vì có được nhà máy có thể đi vào sản xuất sau 1 năm chưa dứt thì nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung đã phải đối mặt với bài toán tài chính nan giải khi suất đầu tư quá lớn, bỏ ra gần 100 tỷ đồng (thời điểm 2010 - 2011) trong khi đang là một công ty gia đình chưa có sự cổ phần từ các nhà đầu tư khác.
 
Với quyết tâm và niềm tin tuyệt đối vào những gì đã dày công gây dựng và các đại lý, bạn hàng sẽ quay lại khi cung cấp cho họ sản phẩm tốt với giá cạnh tranh. Cứ như thế, từng bước đi lên, “làm được đồng nào lại tái đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã”, đến nay các sản phẩm mang thương hiệu nhôm Nam Hải, EuroHa và nhôm EUA đang được đánh giá là đang có chất lượng tốt bằng và tốt hơn hàng ngoại nhập.
Với 5 dây chuyền chạy hết công suất, Nam Hải đã chiếm khoảng 15 - 17% thị phần vật liệu nhôm và cửa nhôm cả nước và đang trong lộ trình tăng trưởng đến 30%.
Trăn trở hôm nay 

Đó cũng là những trăn trở chung của các doanh nghiệp nhôm trong nước khi từ tháng 3/ 2018, Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá 10% lên sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Với lượng hàng tồn kho lớn, nhôm Trung Quốc mặc nhiên sẽ tràn sang Việt Nam cộng với việc mới đây Trung Quốc tăng mức hoàn thuế tối đa lên tới 13% cho nhôm xuất khẩu đã gây ra một áp lực “khủng khiếp” cho các doanh nghiệp trong nước.

Điều này đã khiến cho nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung nhiều đêm không ngủ bởi nếu xét về quy mô thì cả Nam Hải, EuroHa hay bất cứ doanh nghiệp nhôm nào của Việt Nam cũng đang rất nhỏ bé so với các doanh nghiệp Trung Quốc vừa có tiềm lực lại được hậu thuẫn của chính phủ trong việc hỗ trợ giải phóng hàng triệu tấn nhôm tồn kho.

Trước tình thế mới, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung lại một lần trăn trở việc làm sao để doanh nghiệp nhôm trong nước cạnh tranh, tồn tại được. Việc đầu tiên là phải đoàn kết, hơn 20 doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đã ngồi lại với nhau để cùng bàn hướng đi, cách chống chọi với khó khăn trước mắt và kiến nghị chính phủ sớm có các biện pháp bảo hộ chính đáng đối với sản xuất nhôm trong nước cũng như hướng tới việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam.

Đối với Nam Hải, khó khăn đặt ra trong năm 2019 về sự sụt giảm doanh số, doanh thu lợi nhuận lên đến hàng chục phần trăm là nhãn tiền nhưng theo nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung thì đã làm doanh nghiệp thì phải “khó khăn khắc phục” và “phải tự cứu mình trước người khác cứu’.

Theo đó, bằng lợi thế về sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, các sản phẩm nhôm Nam Hải và EuroHa đã chủ động tìm đường xuất khẩu với những kết quả thu về khả quan trong năm 2018 và mục tiêu xuất khẩu đặt trong năm 2019 đạt 20-30%.

 
Tiền nhiều để làm gì?
“Tiền nhiều để làm gì?”, câu hỏi đang là “hot trend” trên các trang mạng xã hội chắc hẳn cũng chẳng làm bận tâm những doanh nhân chân chính bởi với họ kinh doanh là đam mê, là cuộc sống, qua kinh doanh họ đóng góp để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn và sau tất cả, tiền chỉ là thành quả họ nhận lại được từ xã hội cho những đóng góp của mình.

Đúng như tỷ phú đô la Warren Buffett, một trong những người đàn ông giàu nhất hành tinh đã nói “bạn có thể có nhiều niềm vui trong quá trình làm giàu", có lẽ doanh nhân tìm kiếm niềm vui trong chính công việc của họ là kinh doanh chứ không phải từ số tiền kiếm được.

Lăn lộn thương trường, tích lũy được không ít nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung không giữ lại riêng mình mà muốn được chia sẻ kinh nghiệm thành công cho các bạn trẻ khởi nghiệp, mọi thứ từ kinh nghiệm đến cơ hội kinh doanh đều có thể sẵn sàng được chị chia sẻ.

Và phía sau người phụ nữ thành công
Người ta hay nói đằng sau thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung lại cho rằng đằng sau thành công của chị hôm nay là vai trò không thể thay thế của người chồng và sự ủng hộ hết lòng của gia đình hai bên.
Lập gia đình và bắt tay vào khởi nghiệp với ngành nhôm cũng là thời điểm nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung sinh con đầu lòng. Giữa bộn bề công việc của một người mẹ, người vợ và một chủ doanh nghiệp thì chỉ có sự ủng hộ của chồng và gia đình mới có thể giúp chị vượt qua những khó khăn của thương trường.
Đến nay Nam Hải vẫn là một doanh nghiệp gia đình và câu chuyện kế nghiệp cũng đã được nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung trăn trở từ rất sớm và chị đã trao quyền nhưng điểm khá thú vị là chị để các con ngã và tự đứng dậy, tự chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra, đúng thì thưởng, sai thì phạt như những nhân viên bình thường khác.
Với hậu phương vững chắc là gia đình, sự thấu hiểu của người chồng, sự sẵn sàng đảm đương trọng trách của các con, có thể sắp tới nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dung sẽ có nhiều thời gian hơn để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp như chị luôn đau đáu.